Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, lì xì là một tên gọi của tục lệ người lớn mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền lì xì.
Theo quy định tại điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tiền lì xì của con được xác định là tài sản riêng của con do được tặng cho và đồng thời theo quy định tại Bộ luật dân sự, điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 định ra các trường hợp con hoặc cha mẹ được quyền quản lý tài sản riêng cụ thể:
Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con.
Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo các quy định này, khi cha mẹ và con "thỏa thuận" về việc cha, mẹ quản lý, giữ tiền lì xì của con thì cha, mẹ không được tiêu, phải hoàn trả cho con khi hết thời hạn quản lý, nếu cha mẹ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Cụ thể, cha, mẹ nếu có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng về hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phạt tiền cha mẹ giữ hay tiêu xài tiền của con ít xảy ra, thậm chí chưa xảy ra vì con hầu như không khiếu nại hay tố cáo cha mẹ về hành vi tiêu tiền lì xì của con.
Bên cạnh đó, việc chi tiêu tiền lì xì phần lớn trong xã hội hiện nay đều nhằm mục đích phục vụ cho đời sống gia đình hoặc phục vụ các quyền và lợi ích hợp pháp trong nhu cầu học tập, sinh hoạt, ăn ở cho con.
Ngoài ra, để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con về việc tiêu tiền lì xì, cha mẹ có thể thông báo việc chi tiêu khoản tiền này cho con được biết.
Mời các bạn đọc bài liên quan: