Hà Nội

Cha mẹ có con chậm tăng trưởng chiều cao, hãy nghe chuyên gia nói nguyên nhân

06-12-2021 14:21 | Y tế

SKĐS - Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng nguyên nhân con thấp còi, chậm tăng trưởng chiều cao chủ yếu do dinh dưỡng

Từ ngày 11-26/12/2021, Khoa Nội tiết-  BV Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình "Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em". Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do rối loạn thiếu hormone tăng trưởng (GH).

TS.BS Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết, trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết.

Cha mẹ có con chậm tăng trưởng chiều cao, hãy nghe chuyên gia nói nguyên nhân - Ảnh 1.

Các bác sĩ trò chuyện với phụ huynh trong quá trình thăm khám chiều cao cho trẻ

"Do đó, mục đích của chương trình để giúp các em được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp cho chiều cao của các em trong tương lai không bị thiếu hụt, không thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa"- BS Duy nói.

Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sinh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tiếp theo, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương.

Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo.

Các chuyên gia cho biết quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. 

"Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân"- chuyên gia khuyến cáo.

Trên thực tế, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng và nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả.

Đừng để qua "thời điểm vàng" điều trị cải thiện chiều cao trẻ

BS Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm.

 Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa.

Do đó, ngay khi phát hiện những bất thường về chiều cao ở trẻ so với biểu đồ theo dõi chiều cao, phụ huynh cần cho trẻ khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. 

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. Hiện tại, bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.

Trong cơ thể người, GH được tiết ra từ tuyến yên ở não. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch. Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. 

Cha mẹ có con chậm tăng trưởng chiều cao, hãy nghe chuyên gia nói nguyên nhân - Ảnh 3.

Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Thiếu GH thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường và chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. 

Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra sai lầm của cha mẹ khi "thúc" chiều cao cho con bằng chế độ ăn bổ dưỡngChuyên gia dinh dưỡng chỉ ra sai lầm của cha mẹ khi 'thúc' chiều cao cho con bằng chế độ ăn bổ dưỡng

SKĐS - Việc thúc ép con ăn để có chiều cao lý tưởng tuổi dậy thì tưởng tốt nhưng lại là một sai lầm có thể để lại những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe.

Thái Bình
Ý kiến của bạn