Cha mẹ cần làm gì khi con em mình xem clip học sinh tự tử?

03-04-2022 07:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Chúng ta không nên lảng tránh những câu chuyện này hay ngược lại, cá nhân hóa và trầm trọng hóa thêm vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và cảm nhận của các em.

Nam sinh học trường chuyên có tiếng ở Hà Nội nhảy lầu chung cư tự tửNam sinh học trường chuyên có tiếng ở Hà Nội nhảy lầu chung cư tự tử

Ở thời điểm rạng sáng, nam sinh cấp 3 ở Hà Nội đã trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử. Trước đó, nạn nhân có để lại thư tuyệt mệnh.

Đó là một trong những khuyến nghị của Thạc sĩ Tâm lý học Trần Đăng Hưng thuộc Trung tâm trị liệu, tham vấn tư vấn tâm lý Mindcare dành cho phụ huynh khi biết con em mình đã xem clip nam sinh tự tử cũng như đã đọc bức thư mà nam sinh này để lại.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, ThS. Trần Đăng Hưng - người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tham vấn tâm lý cho trẻ em và các bậc phụ huynh cho hay, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên làm quá, hoặc đưa ra những nhận xét quy chụp dựa trên quan điểm/lời khuyên cá nhân, có thể gây tác dụng ngược khiến cho các em học sinh không những không thể giải tỏa những bức xúc mà còn tăng thêm sự mệt mỏi, áp lực.

Qua vụ nam sinh tự tử: Phụ huynh hãy cho con chia sẻ quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc đối với sự việc - Ảnh 2.

Về những trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra, phụ huynh và các em học sinh cần có một thái độ đúng mực với  sự việc này. Nếu có cơ hội, phụ huynh có thể nói chuyện nhẹ nhàng với con em mình, trao cơ hội cho con em mình chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của các em đối với sự việc.

Theo ThS. Trần Đăng Hưng, các em học sinh luôn có những suy nghĩ, quan điểm cá nhân rõ ràng trước những vấn đề xã hội. Việc phụ huynh sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và thảo luận cùng các em với thái độ tôn trọng và thiện chí sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong việc điều chỉnh những suy nghĩ, cảm xúc cho phù hợp thay vì tiếp nhận một cách tiêu cực hay hoang mang.

Khi đề cập đến những sự việc này, chúng ta cũng không nên quá tập trung đào sâu, phân tích xem ai đúng ai sai, hay đưa ra những bình luận hay nhận xét phiến diện, quy chụp cho những cá nhân liên quan.

Thay vào đó, mỗi người cần xác định rõ vai trò và sự ảnh hưởng của chúng ta đến những người xung quanh, từ đó thống nhất những phương án phù hợp nhằm xây dựng các mối quan hệ cha mẹ - con cái, thầy cô - học sinh, nhà trường - gia đình và các mối quan hệ bạn bè một cách lành mạnh, nhằm tạo điều kiện giúp các em học sinh hình thành và củng cố thái độ tích cực khi giải quyết những khó khăn, căng thẳng trong đời sống học tập cũng như sinh hoạt thường ngày.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị căng thẳng, có vấn đề tâm lý

Thời gian gần đây, khái niệm trầm cảm được nhiều người nhắc đến, nhất là khi một số sự việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của các em học sinh ở độ tuổi mà nhiều người lớn vẫn cho rằng còn "vô lo vô nghĩ" hay "bố mẹ đã cố gắng chăm chút cẩn thận, chỉ cần tập trung vào học hành cho nên người".

ThS. Trần Đăng Hưng cho biết, việc đánh giá và kết luận ai đó mắc chứng trầm cảm cần được thực hiện một cách cẩn thận, khoa học bởi những người được đào tạo chuyên môn một cách bài bản. Vậy nên chúng ta đừng sử dụng khái niệm trầm cảm một cách dễ dãi để nói về một ai đó. Hãy để cho những người có đủ thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện việc này.

"Đối với những sự cố đáng tiếc xảy ra vừa qua, do không có một kết quả đánh giá chuyên nghiệp, tôi xin tạm gọi đó là sự căng thẳng và bế tắc tột độ. Điều này không thể xuất hiện một cách đột ngột trong thời gian ngắn, mà đó là kết quả của một chuỗi sự kiện kéo dài liên quan đến học tập, gia đình, các mối quan hệ trong nhà trường và xã hội..., là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống tinh thần của các em học sinh".

Những dấu hiệu cảnh báo mà gia đình và người thân có thể dễ dàng nhận ra bắt đầu từ việc các sinh hoạt cá nhân bị xáo trộn, rối loạn về giấc ngủ/bữa ăn (ăn/ngủ quá ít hoặc quá nhiều so với thời gian trước đó); tự thu mình, hạn chế giao tiếp với mọi người; giảm hứng thú với những hoạt động ưa thích; dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Ở lứa tuổi luôn tràn đầy năng lượng và ưa hoạt động, việc bỗng nhiên một em học sinh trở nên trầm lặng, khép kín cần được sự quan tâm chú ý của người lớn. Tuy nhiên, những biểu hiện này cần được chú ý theo dõi một cách cẩn thận trong một khoảng thời gian đủ dài (1-2 tháng) để chắc chắn là chúng chỉ là những biểu hiện mang tính thời điểm.

Khi nghi ngờ/phát hiện ra điều này, phụ huynh cần hết sức cẩn trọng trong việc tiếp cận con em mình để xác minh và đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời.

Trước hết, chúng ta cần quan sát, tìm hiểu một cách nhẹ nhàng và tế nhị về tình trạng hiện tại của con em mình. Đồng thời tìm cách liên lạc với đơn vị có chuyên môn trong việc trợ giúp các vấn đề liên quan đến tâm lý nhằm tham khảo, xác định và đưa ra một kế hoạch can thiệp kịp thời và khoa học.

Qua vụ nam sinh tự tử: Phụ huynh hãy cho con chia sẻ quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc đối với sự việc - Ảnh 4.

Ở lứa tuổi luôn tràn đầy năng lượng và ưa hoạt động, việc bỗng nhiên một em học sinh trở nên trầm lặng, khép kín cần được sự quan tâm chú ý của người lớn. Ảnh minh họa

Trong những ngày tới đây, khi học sinh các cấp học sẽ đi học trở lại, Thạc sĩ Tâm lý học Trần Đăng Hưng lưu ý: "Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nhà trường, các bậc phụ huynh và với ngay chính bản thân các em học sinh khi thời gian học tập của năm học không còn nhiều, các em cần nhanh chóng thích nghi trở lại với nhịp sinh hoạt vốn đã bị gián đoạn trong một thời gian dài, việc gặp phải những khó khăn, căng thẳng là điều không tránh khỏi.

Các em học sinh nên cân nhắc, lựa chọn tìm đến những nơi phù hợp để có thể chia sẻ giải tỏa cũng như tìm cách khắc phục những khó khăn vướng mắc của mình thay vì giữ kín trong lòng.

Còn từ phía gia đình và nhà trường, khi chúng ta cảm thấy các em học sinh chưa sẵn sàng để nói về vấn đề của mình, xin hãy kiên nhẫn, nhẹ nhàng động viên, khuyến khích để các em có thêm thời gian xây dựng niềm tin và sẵn sàng chia sẻ với chúng ta, thay vì sử dụng quyền lực và trách nhiệm để gây áp lực buộc các em phải thực hiện những điều mà các em không muốn. Điều đó không những không giúp ích mà thậm chí còn kéo người lớn ra xa hơn, làm lãng phí cơ hội chia sẻ, trao đổi và giúp đỡ cho các em học sinh của chúng ta".

"Tôi sẽ tự sát" - Cách nhận biết trẻ vị thành niên có ý định "tự kết liễu đời mình"'Tôi sẽ tự sát' - Cách nhận biết trẻ vị thành niên có ý định 'tự kết liễu đời mình'

SKĐS - Hiện nay, tình trạng tự sát ở trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Tại một số địa phương thời gian qua ghi nhận không ít vụ tự tử đau lòng, trong đó nhiều trường hợp là học sinh. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ chỉ cho người lớn cùng các bậc phụ huynh cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn