Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, khoa Cấp cứu chống độc của bệnh viện tiếp nhận trường hợp bé Nguyễn Thị Bích N. (16 tháng tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa.
Theo lời kể của gia đình bé N cho biết, tối hôm đó, gia đình tổ chức liên hoan cho các cháu, bé N. chơi đùa với các bạn. Và khi người lớn không để ý, bé đã vô tình uống nhầm chai dầu hỏa đang được mở nắp để trong nhà. Sau khi uống xong, cháu ho sặc sụa, khó thở, tím tái nên được gia đình đưa vào bệnh viện.
Bệnh nhi được chuyển đến khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) trong tình trạng khó thở, tím tái và suy hô hấp. Ngay lập tức, bé đã được thở ôxy, dùng kháng sinh. Và sau khi làm xét nghiệm, chụp phim phổi, các bác sĩ chẩn đoán, cháu N. bị viêm phổi nặng do uống nhầm và hít phải dầu hỏa. Sau vài ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Nhi trung ương, tình trạng sức khỏe của bé N. đã có cải thiện, bé đỡ khó thở, không còn suy hô hấp và tỉnh táo hơn.
BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, có khá nhiều trường hợp trẻ uống nhầm dầu hỏa và phải vào khoa Cấp cứu. Đây là một loại dung dịch hay được sử dụng trong gia đình và thường gây nên tình trạng viêm phổi do hít. Ngoài dầu hỏa thì xăng, cồn và các chất tẩy rửa… cũng là hóa chất gia dụng khiến trẻ hay vô tình uống nhầm.
Nhiều trẻ nguy kịch tính mạng vì uống nhầm dầu hỏa, hóa chất do sự bất cẩn của người lớn
Nguyên nhân chủ yếu là do những hóa chất gia dụng này thường được cất giữ ở các chai lọ để ngay trong không gian sinh hoạt của gia đình. Khi người lớn bất cẩn trong quá trình trông nom, trẻ rất dễ tò mò, nghịch ngợm và uống phải.
Cũng theo BS Ngô Anh Vinh, khi uống phải hoá chất, trẻ có thể hít hóa chất vào phổi hoặc nuốt vào đường tiêu hóa. Điều này dẫn tới trẻ có nguy cơ bị viêm phổi hoặc bỏng, viêm loét đường tiêu hóa. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ tùy vào số lượng hoặc hóa chất trẻ uống phải và thời gian đưa trẻ đến bệnh viên sớm hay muộn. Chính vì vậy, theo BS Vinh: khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất gia dụng, cha mẹ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện để được xử trí kịp thời. Bố mẹ không tự ý gây nôn cho trẻ vì có thể gây sặc và hóa chất có thể lan rộng, từ đó gây tổn thương nặng thêm.
BS Ngô Anh Vinh khuyến cáo, cách phòng tránh tốt nhất là gia đình trẻ cần phải bảo quản các chất này ở một nơi riêng biệt, dán nhãn ghi tên trên vỏ chai. Tránh cất giữ các loại hóa chất, nước tẩy rửa gia dụng trong các vỏ chai vốn đựng nước uống, nước ngọt (như chai Lavie) khiến trẻ nhầm tưởng là nước uống được. “Với các gia đình làm nghề liên quan đến hóa chất, dung dịch tẩy rửa thì cần bảo quản các hóa chất này một cách an toàn tuyệt đối, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”- BS Vinh nhấn mạnh