Những câu chuyện như thế có rất nhiều trong đời sống xã hội những ngày đầu cách mạng. Nó được ghi lại sẽ là những sử liệu vô cùng quý giá làm sáng tỏ cái nguyên lý của một cuộc cách mạng của toàn dân (nhà sử học Dương Trung Quốc).
Ông Dực (ngồi giữa) cùng gia đình tại 43A Hàng Bài, Hà Nội.
Cha tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị toàn bộ hệ thống âm thanh trong Ngày lễ Độc lập 2/9/1945. Không có âm thanh thì làm sao tổ chức mít tinh? Khẳng định một điều vào thời điểm lịch sử đó cả Hà Nội không ai có được những thiết bị đó, chưa nói đến trình độ vận dụng, sử dụng, khai thác. Cha tôi được “tìm ra” vì nhiều lý do nhưng trong đó có một lý do rất giản dị là vì cha tôi là học sinh Trường Kỹ nghệ. Trường Kỹ nghệ thực hành là một cơ sở đào tạo đẳng cấp thời Pháp thuộc. Nhiều người được đào tạo trong môi trường đó về sau trở thành những nhân vật quan trọng trong trong Tổng bộ Việt Minh như: Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy…
Ông Nguyễn Lân Bình, người con trai lớn của cụ Nguyễn Dực đã mở đầu như vậy trong câu chuyện kể về người cha yêu kính - người mà tên tuổi đã gắn liền với một trong những sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước cách đây 73 năm.
Ở tuổi 20, người cha của ông Nguyễn Lân Bình đã mở cửa hiệu Nguyễn Dực radio vừa sửa chữa vừa bán thiết bị âm thanh ở 43A Đồng Khánh (tên gọi cũ của phố Hàng Bài). Vào thời điểm 1941, đó là cửa hàng âm thanh lớn nhất Hà Nội. Khách hàng của ông khi ấy là các chủ rạp chiếu bóng, đồn điền, chủ các hãng kinh doanh (KD) nước ngoài. Bấy giờ, ông là một nhà kỹ thuật hiếm hoi lại KD ngành truyền thanh. Vậy nên ông có biệt danh là Dực radio.
Vào thời gian trước Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Dực là một người trong những thành viên tích cực của Hội Hướng đạo sinh, Truyền bá Quốc ngữ. Đó là những tổ chức dân sự có ảnh hưởng mạnh trong xã hội và rất uy tín. Ông cũng là người có vai trò trong Tổng hội Viên chức Thủ đô, một lực lượng quan trọng tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ nhiều năm trước đó, Nguyễn Dực đã thường xuyên đem hệ thống loa, máy của riêng mình đi phục vụ nhiều hoạt động quần chúng lớn, mà sau này, Nguyễn Dực mới hiểu những người chủ trương là lực lượng Việt Minh cách mạng.
Ông Nguyễn Dực đã đứng đằng sau nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trong giai đoạn lịch sử đó, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong giai đoạn đó, hầu hết các sự kiện quan trọng của Cách mạng Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, đều có sự tham gia của ông trong việc đưa toàn bộ máy móc và thiết bị âm thanh “của nhà” để lắp đặt và vận hành hệ thống truyền thanh. Nổi bật nhất là việc thiết kế và huy động thiết bị để lo âm thanh cho cuộc mít tinh lịch sử tại Vườn hoa Ba Đình ngày 2/9/1945.
Trong hồi ký, ông Nguyễn Dực đã viết về một trong những thời khắc lộng lẫy của cuộc đời mình như thế này: Khi vừa chào cờ xong, Hồ Chủ tịch nhìn vào ba chiếc micro và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Phillips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng phù từ các loa dội lại khá to. Hồ Chủ tịch lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói mọi người nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!... Câu nói khiến ai cũng ấn tượng mạnh đó là khi Hồ Chủ tịch hướng về phía nhân dân hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Từ góc nhìn nghề nghiệp ông Nguyễn Dực cho rằng câu hỏi ấy thể hiện Bác rất am hiểu về kỹ thuật, vì hồi đó trong micrô sử dụng bột than nên người trong nghề rất ngại ai đó dùng tay gõ vào micrô rất dễ làm ảnh hưởng chất lượng âm thanh do than bị xô động...
Có lẽ chính ông Dực cũng không hình dung được trước rằng sự kiện ngày hôm đó lại có tầm quan trọng đến như vậy, khi thực hiện việc truyền phát đi tiếng nói của Hồ Chủ tịch qua hệ thống âm thanh, để phát ra toàn hệ thống loa trong khu vực mít tinh rộng lớn, tính từ điểm gần nhà thờ Cửa Bắc (phía đường Phan Đình Phùng), đến tận vườn hoa Cột Cờ, với khoảng hơn hai chục vạn người tham gia.
Ông Nguyễn Dực chụp với 2 người con đầu lòng tại vùng tự do Thanh Hóa, năm 1952.
Người đàn bà may lá cờ đại
Ông Nguyễn Lân Bình kể, năm 1941, cha ông đã thuê một phần mặt tiền ngôi nhà số 43A Hàng Bài của gia đình cụ Lê Bá Chính để mở cửa hiệu Nguyễn Dực radio. Thế rồi chàng trai đang độ hai mươi đã phải lòng cô con gái cả của chủ nhà. Cô gái ấy đích thực là lá ngọc cành vàng, nổi tiếng bởi vẻ đẹp dịu dàng. Cô thích đọc sách, yêu mến thơ ca, có cuộc sống lãng mạn. Đặc biệt rất giỏi tiếng Pháp.
Ông Bình nhớ lại: Mẹ tôi giữ thói quen đọc sách suốt nhiều năm, về sau khi cuộc sống khó khăn đến mức cơm không đủ mà ăn hay những năm tháng mắt mờ tay yếu, bà vẫn chưa một ngày rời trang sách.
Được sinh ra trong gia đình kinh doanh buôn bán than củi lớn ở Hà Nội những năm 1930 trên phố Đồng Khánh (nay là Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ nhỏ mẹ ông Bình có cuộc sống trong nhung lụa. Trang phục đến trường của cô nữ sinh Hà thành thường được may bằng những loại lụa trắng thượng hạng, đắt tiền. Khi đi học được xách cặp da, một món đồ thuộc hàng xa xỉ thời đó. Mỗi lần đi học hoặc đi đâu ra ngoài hơi xa xa một chút, đều đi xe tay (xe người kéo).
Bà Lê Thị Tý chụp nhân lần đưa Bình lúc 8 tháng tuổi về Hà Nội thăm gia đình năm 1952.
Kể về sự chiều chuộng của ông bà ngoại với người mẹ của mình, ông Bình nói: Một người bạn thân học cùng lớp của mẹ tôi là bà Đinh Thị Tảo (bà ở 31 phố Trạng Trình, nay là phố Liên Trì) từng kể: “Có lần mẹ cậu được bố mẹ cho tiền, rủ các bạn đi nghỉ mát ở Sầm Sơn mấy ngày, tiêu quá tay hết tiền, dám điện về nhà cho bố mẹ xin thêm, mà các cụ cũng cho...”.
Xinh đẹp, con nhà giàu có lại được học hành, cô nữ sinh Trường Đồng Khánh Lê Thị Tý nhận được không ít thư tay của những chàng trai Hà Nội thời bấy giờ. Chỉ có tình cảm chân thành, cùng với trí tuệ được thừa hưởng từ người bố tài hoa nổi tiếng là học giả Nguyễn Văn Vĩnh và chắc là cả tài tháo vát trong KD, ông Dực radio mới làm cảm động trái tim tiểu thư con nhà gia thế. Lễ cưới được tổ chức vào năm 1944, khi cô dâu vừa tròn 20 tuổi. Từ đây, bà bắt đầu xa rời cuộc sống đủ đầy, cùng chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống của một người chồng tài hoa - một nhân tố được đầu tư cho việc chuẩn bị những thay đổi quan trọng của lịch sử; cùng gánh những khó khăn của cuộc kháng chiến 9 năm và tần tảo nuôi 7 người con trưởng thành. Và rồi cô tiểu thư khuê các năm nào cũng trở thành người đàn bà mang sứ mệnh lịch sử.
Năm 2000, để làm chương trình cầu truyền hình nhân thời khắc chuyển giao thế kỷ, những người thực hiện đã đến 43A Hàng Bài tìm bà Lê Thị Tý. Bởi vì bà chính là người may lá cờ đại đầu tiên, treo kín mặt trước của Nhà hát Lớn trong cuộc mít tinh sáng 17/8/1945.
Ông Nguyễn Lân Bình nói: Thời điểm mẹ tôi may lá cờ đó, bà đang mang thai chị gái cả của tôi. Tất cả anh chị em tôi chỉ biết đến việc này khi cố nhà báo Trường Phước tìm đến nhà để làm phỏng vấn mẹ tôi.
Cũng phải đến lúc đó anh em ông Bình mới được nghe mẹ kể lại: Tối muộn ngày 16/8/1945, cha đưa ông Phạm Thành, người bạn thân và là con chủ một tiệm may lớn trên gần chợ Đồng Xuân, bảo mẹ may một lá cờ thật to. Mẹ bảo: Sao nhà ông là hiệu may mà không làm? Ông ấy nói, nhà có đông người làm công, sợ họ biết”.
Thấy ông ấy lo lắng quá, thời gian lại gấp, cha bảo thôi để mẹ giúp vì nhà hồi đó có cái máy khâu quay tay, mua lại của một gia đình người Pháp trước khi bỏ Việt Nam về nước.
Suốt đêm hôm đó, vợ chồng bà Tý cùng ông Phạm Thành gấp rút may lá cờ đỏ có sao vàng ở giữa có khổ rộng 9m x 5m. Sáng ngày 17/8, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ông Nguyễn Dực lo việc bố trí, lắp đặt loa và micro cho buổi mít tinh khổng lồ của Tổng hội Viên chức Thủ đô, sau đó từ đây, đã biến thành ngọn lửa Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ban Tổ chức cuộc mít tinh đã quyết định: Khi thả lá cờ đại che kín mặt trước Nhà hát Lớn, cũng chính là hiệu lệnh cho cuộc mít tinh lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những câu chuyện như thế có rất nhiều trong đời sống xã hội những ngày đầu cách mạng. Nó được ghi lại sẽ là những sử liệu vô cùng quý giá làm sáng tỏ cái nguyên lý của một cuộc cách mạng của toàn dân.