Hà Nội

Cha đẻ ‘Trầm tích’ - nhà thơ Hoàng Trần Cương qua đời

10-04-2020 10:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà thơ Hoàng Trần Cương – tác giả của trường ca ‘Trầm tích’ nổi tiếng đã qua đời vào ngày 9/4, hưởng thọ 72 tuổi.

Theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả kịch bản phim truyền hình Sinh tử, cả đời chinh chiến sóng gió ngang tàng và ngạo nghễ, Hoàng Trần Cương lúc mất lại đúng vào những ngày dịch giã. “Hoàng Trần Cương là thương binh, nguyên tổng biên tập Thời báo Tài chính, người con của xứ Nghệ, tác giả của trường ca nổi tiếng Trầm tích. Thương tiếc ông, một người lính đúng nghĩa, một nhà thơ đích thực” – nhà văn Phạm Ngọc Tiến đánh giá. Vẫn theo nhà văn này, bài thơ đầu tiên Hoàng Trần Cương làm năm 17 tuổi có tên là Dư âm: “ Ta như Đất lặng câm mà dữ dội - Yên lành trải bình nguyên- Thanh thản dựng núi đồi- Em đừng trách ngày thường anh nông nổi- Màu trời nào chẳng mang xác một dòng sông chết trôi!”. Bài thơ cuốn theo suốt hành trình thơ, nó ám ảnh như một lời tiên tri, một định mệnh của đời thơ Hoàng Trần Cương.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương và tập thơ "Bầu trời đất"


Đối với người yêu văn chương ở Việt Nam, nhà thơ Hoàng Trần Cương được biết đến hơn cả ở thể loại trường ca, đặc biệt là trường ca Trầm tích đã mang lại cho ông các giải thưởng danh giá: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (1989-1990), Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1994-1999), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2000)... Là người con xứ Nghệ, Hoàng Trần Cương đã đưa phương ngữ vào thơ một cách tài tình, tạo nên những thi ảnh độc đáo rất miền trung: uy nghiêm, khắc nghiệt nhưng sắt son, nghĩa tình. Là một người lính và một thương binh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, chất lính trong ngôn ngữ và nhạc tính trong thơ của ông vừa xù xì, dữ dội vừa mềm mại, nhân văn. Cả bài thơ của ông bao quát chủ đề tư tưởng là lòng yêu nước, yêu quê hương, dân tộc, đồng đội..., nhưng từng câu thơ riêng lẻ vẫn tìm ra lối đi trữ tình để găm vào trí nhớ người đọc.

Lại nói về Trầm tích của Hoàng Trần Cương, tác phẩm được ông khởi thảo năm 1986, công bố năm 1999. Tác phẩm gồm 19 chương; mỗi chương có thể đứng riêng rẽ, độc lập như một bài thơ; thậm chí “ngắt ra” từ mỗi chương ấy những đoạn thơ với dung lượng ngắn hơn, chúng vẫn cũng có thể tồn tại như những bài thơ trữ tình đặc sắc. 19 chương của Trầm tích cùng chụm vào một mục đích: bằng con mắt thơ, bóc tách những lớp, những tầng, những vỉa của khối trầm tích địa - văn hóa có tên là “xứ Nghệ”.

Đọc Trầm tích, qua cái nhìn nghệ thuật “riết róng và sắc lẻm” về miền Trung của Hoàng Trần Cương – chữ của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết “Khúc biến tấu của tình yêu”– ta thấy hiện lên đậm nét, những nét riêng có, mảnh đất và con người xứ Nghệ, tâm hồn Nghệ, “chất” Nghệ. Nhà thơ Hoàng Cầm đã từng khẳng định trong hội thảo về tập thơ Trầm tích : “Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng sự thực lớn như thế này. Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được đến thế. Đọc ứa nước mắt. Đây thực phải là con người miền Trung”. Sau Trầm tích, Hoàng Trần Cương còn tiếp tục viết và công bố nhiều trường ca khác : U Minh, Đỉnh Vua, Long mạch… thế nhưng, Trầm tích vẫn là sự “trầm tích” dồi dào nhất cho năng lượng trường ca của Hoàng Trần Cương

Nhà thơ Võ Thanh An (trái) và nhà thơ Hoàng Trần Cương.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh ngày 30/7/1948 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán 1970. Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Trần Cương làm chuyên viên kế toán, rồi làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Trần Cương được giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ quân đội với ký sự “Hạnh phúc hôm nay”. Ông xuất bản một số tập sách như: Hạnh phúc hôm nay (ký sự, in chung), Bầu trời Quảng Trị (truyện ký, in chung), Dư âm (truyện ngắn, in chung), Đường chân trời (tập thơ, in chung), Dấu vết ngày tháng (thơ), Trầm tích (Trường ca, được dịch sang tiếng Anh), Quà tặng của hành tinh (thơ).


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn