Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, cha đẻ Flappy Bird đã xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone với một bài phỏng vấn rất dài về cuộc sống hiện tại của mình.
Sau một thời gian dài "chìm vào quên lãng", cuối cùng, Hà Đông - cha đẻ của Flappy Bird cũng tìm kiếm lại được một phần sự bình yên trước đây của mình. Nhưng mới đây nhất, anh đã đồng ý xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone, chịu hé lộ những câu chuyện đằng sau sự thành công và cả quyết định tự khai tử trò chơi của mình. Chúng tôi xin được gửi đến các bạn phần lược dịch từ bài viết này.
2 tuần sau sự biến mất của Flappy Bird, tôi đi taxi qua những ngôi chùa và hàng lớp xe máy ken đầy đường, để ra ngoại ô thành phố Hà Nội và gặp Hà Đông, người đã đồng ý chia sẻ cho Rolling Stone câu chuyện của mình - lần đầu tiên. Với sự quan tâm và săn đón từ truyền thông trong nước và quốc tế, Đông đã "chạy trốn", tạm rời ngôi nhà anh đang sống cùng bố mẹ và đến ở nhờ nhà một người bạn. Dù chàng triệu phú "chấm com" này đã trở nên nổi tiếng ở Mỹ, nhưng với giới lập trình Việt Nam, họ không chú ý lắm đến Hà Đông nữa. Khi mà chàng trai sống khép kín, yêu máy tính đầu tiên được hâm mộ đất nước này xuất hiện trong chiếc áo sơ mi màu ghi, anh bước đến khá dè dặt và tự giới thiệu về bản thân mình, anh cẩn trọng lựa chọn từng lời nói và suy nghĩ, như đặt những pixel lên màn hình điện thoại vậy: "Tôi chỉ định làm một cái gì đó vui vẻ để chia sẻ với những người khác". Hà Đông nói với sự giúp đỡ của một người phiên dịch. "Tôi không thể đoán trước được sự thành công của Flappy Bird".
Lớn lên tại Vạn Phúc, một ngôi làng ngoại ô Hà Nội vốn nổi tiếng về nghề dệt lụa, Hà Đông chưa bao giờ tưởng tượng được mình sẽ trở thành một nhà thiết kế game nổi tiếng thế giới. Dù cha của anh sở hữu một cửa hàng bán phần cứng máy tính, còn mẹ lại làm cho nhà nước, gia đình anh vẫn không có đủ khả năng mua cho Hà Đông và em trai của anh một chiếc máy Game Boys. Nhưng cuối cùng thì, họ cũng đã có thể mua một chiếc máy Nintendo "rởm", thứ mà ở Việt Nam xuất hiện đầy rẫy bên cạnh những món đồ điện tử "rởm" khác. Kinh ngạc trước sức mạnh của mình khi được điều khiển một nhân vật ảo trên màn hình, Hà Đông dành mọi thời gian rảnh để chơi Super Mario Bros… một cách ám ảnh.
16 tuổi, Hà Đông học code để tự lập trình một trò chơi về cờ trên máy tính của mình. 3 năm sau, khi đang theo học một trường Đại học lớn về công nghệ tại Hà Nội, anh đã đứng trong top 20 của một cuộc thi lập trình và có một khóa thực tập tại một trong những công ty duy nhất về game ở Hà Nội lúc đó - Punch Entertainment, công ty làm về game điện thoại. Bùi Trường Sơn - sếp cũ của Hà Đông, chia sẻ rằng chàng lập trình viên trẻ tuổi có khả năng vượt trội, kỹ thuật và sự độc lập. "Đông không cần người hướng dẫn". Anh Sơn nói. "Cậu ấy không thoải mái khi bị "chỉ bảo". Vậy nên chúng tôi cho phép cậu ấy làm mà không phải báo cáo với ai".
Hà Đông sớm mệt mỏi với việc bị bó buộc trong môi trường một công ty. Sau khi sở hữu cho mình chiếc iPhone đầu tiên, anh đã bị "choáng ngợp" và cuốn hút trước những khả năng vô tận của màn hình cảm ứng. Vài trò chơi khiến Đông có lại cảm giác tuyệt vời của chiếc máy Nintendo ngày bé. Nhưng trò chơi nổi tiếng Angry Birds lại khiến Đông thấy quá "bận rộn", Đông chia sẻ. "Tôi không thích đồ họa của nó, nhìn nó trông quá đông đúc, chật chội". Hà Đông muốn làm game giống như chính bản thân anh: Bận rộn, sách nhiễu và luôn chuyển động. "Tôi đã hình dung họ sẽ chơi như thế nào". Hà Đông vừa nói vừa ấn chiếc iPhone của mình, trong khi một tay khác đưa lên cao. "Một tay thì giữ đai thăng bằng trên tàu". Anh ấy làm game cho bọn họ.
Chúng tôi nói chuyện suốt buổi tối, đám người đi bộ xung quanh khéo léo né tránh những chiếc xe đột ngột vốn thường gặp trong giao thông Hà Nội, màn hình điện thoại nhấp nháy trên tay họ như đom đóm. Không có gì lạ khi trò chơi hot nhất thế giới lại bắt nguồn từ đây. "Khi bạn chơi trò chơi trên smartphone". Hà Đông nói. "Cách đơn giản nhất chỉ đơn giản là ấn".
Tháng 4 năm ngoái, Hà Đông chỉ đang ngồi ấn chiếc iPhone của mình trong khi cả Hà Nội đang chào mừng ngày Giải phóng miền Nam. Thay vì ra ngoài đi chơi, anh lại dành cả ngày cuối tuần trong phòng ngủ để tạo ra một trò chơi nhỏ cho vui. Hà Đông lên Twitter và post một ảnh chụp màn hình về một "trò chơi mới khá đơn giản" của mình. Sau vài tweet, Hà Đông nói anh không làm marketing cho trò chơi này. Và, như vô số trò chơi khác mới được ra mắt trên Apple Store, Flappy Bird chìm nghỉm. Lần đầu tiên trò chơi được nhắc đến trên Twitter là khoảng 5 tháng sau, vào ngày 4/11, khi ai đó post một review gói gọn trong vài từ phẫn nộ: "Quỷ tha ma bắt Flappy Bird".
Cuối tháng 12, những người chơi bắt đầu làm "lũng đoạn" các mạng xã hội để cạnh tranh, than vãn và thất vọng về chiếc điện thoại của họ. Twitter bùng nổ với Flappy Bird - Lúc này đã đạt đến con số 16 triệu tin nhắn được nhắc đến. Có người gọi nó là "trò chơi khó chịu nhất nhưng tôi không thể dừng lại", có người lại cho biết "nó đã từ từ ngấu nghiến cuộc sống của tôi". Từ Reddit đến Youtube, từ khu nghỉ ngơi trong các văn phòng, Flappy Bird xuất hiện ở mọi nơi và lọt vào bảng xếp hạng top 10 của Apple Store Mỹ vào đầu tháng Giêng. Không có quảng cáo, không có kế hoạch, không logic, 14/1 Flappy Bird cán đích vị trí số 1. Một hoặc 2 tuần sau, nó đứng đầu trong bảng xếp hàng Google Play.
"Nhìn thấy trò chơi đứng ở vị trí số 1, tôi cảm thấy tuyệt vời". Hà Đông hồi tưởng. Như mọi người khác, anh bị shock bởi sự nổi tiếng nhanh chóng của nó, và như một trận tuyết lở, nó đổ dữ dội vào tài khoản ngân hàng của Đông. Ngay cả khi Apple và Google đã giữ lại 30%, Hà Đông vẫn ước tính được mình thu về 50.000$ mỗi ngày. Trước đó không lâu, Shuriken Block và một trò chơi mới Hà Đông vừa tung ra là Super Ball Juggling cũng cùng Flappy Bird xuất hiện trong Top 10. Nhưng thú vị là, thay vì đi mua một chiếc Macbook mới hay khao bạn bè đi nhậu và ăn lẩu, Hà Đông lại không hào hứng cho lắm. "Tôi không cảm thấy quá vui, tôi không biết tại sao". Và thật ra, anh thậm chí còn không tiết lộ với bố mẹ mình lúc đó, bởi: "Bố mẹ tôi không hiểu nhiều lắm về trò chơi điện tử".
Với số tiền mà Hà Đông kiếm được, gương mặt anh xuất hiện hàng loạt trên các mặt báo và TV, nhờ vậy gia đình của anh mới biết rằng con trai mình đã làm ra trò chơi đấy. Hà Đông không thể bước ra ngoài mà không bị chú ý. Dù đây là cái giá nhỏ mà anh phải trả cho từng đấy danh tiếng, nhưng với Hà Đông thì sự chú ý này như khiến anh nghẹt thở. "Đây là điều tôi không bao giờ muốn, hãy cho tôi yên". Anh tweet.
Nhưng điều khó khăn nhất, Hà Đông chia sẻ, đó là một thứ hoàn toàn khác. Anh đưa cho tôi chiếc iPhone của mình để tôi có thể xem vài tin nhắn mà anh ấy từng save về. Một từ người phụ nữ đã mắng anh ta là "làm xao nhãng tất cả trẻ em trên thế giới". Một người khác lại than thở "13 học sinh ở trường của tôi đã đập vỡ điện thoại vì trò chơi của anh, nhưng bọn chúng vẫn chơi không ngừng như bị nghiện". Hà Đông kể về những email từ những viên chức công sở vừa mất việc, một người mẹ đã không còn nói chuyện với con mình. "Đầu tiên tôi tưởng họ chỉ nói đùa", Hà Đông nói, "nhưng tôi nhận ra là họ đã thực sự tự làm tổn thương chính mình". Hà Đông - người từng bị trượt trong một bài kiểm tra ở trường vì mải chơi Counter-Strike, đã thực sự nghĩ và đặt người chơi của mình ở trong trái tim.
Đầu tháng 2, cũng là lúc đỉnh điểm của tất cả mọi thứ, sự soi mói, những lời chỉ trích không ngừng dấy lên. Hà Đông không thể ngủ, không thể tập trung, không muốn đi ra ngoài. Bố mẹ của anh lo lắng cho hạnh phúc của Hà Đông. Tweet của anh cũng trở nên u ám và khó hiểu hơn."Flappy Bird là một thành công của tôi, nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống bình yên của tôi". Và Hà Đông nhận ra điều mình phải làm; Hạ nó xuống. Sau khi tweet rằng mình sẽ hạ trò chơi, 10 triệu người đã tải xuống trong 22 giờ. Sau đó, anh nhấn 1 nút, và Flappy Bird biến mất. Khi tôi hỏi tại sao anh làm vậy, Hà Đông trả lời với niềm tin đã khiến anh tạo ra các trò chơi của mình: "Tôi làm chủ số phận mình, tôi là người có suy nghĩ độc lập".
Tuy nhiên, với Hà Đông, hàng triệu người đã tải Flappy Bird về vẫn mang đến cho anh hàng chục ngàn đô la. Hà Đông đã nghỉ việc và nói anh đang nghĩ về việc mua một chiếc xe Mini Cooper và một căn hộ mới. Thậm chí, Hà Đông còn vừa làm chiếc hộ chiếu đầu tiên. Còn bây giờ, Hà Đông đang bận rộn làm việc mà anh thấy thích nhất: Làm game. Tháng này, anh sẽ xuất xưởng một trò chơi mới với phong cách quen thuộc của mình: Trò chơi đơn giản, đồ họa retro và cực kỳ khó.
Từ khi tự tay "nhấn chìm" Flappy Bird, Hà Đông chia sẻ anh cảm thấy "nhẹ nhõm hơn". "Tôi không thể quay lại cuộc sống trước đây của mình, nhưng với tôi thế là tốt rồi". Với tương lai của Flappy Bird, Hà Đông cho biết vẫn từ chối những lời đề nghị mua lại. Nhưng để Flappy Bird trở lại và bay một lần nữa? "Tôi đang xem xét điều này". Hà Đông nói. Anh sẽ không tạo ra một phiên bản mới nhưng có thể, anh sẽ tung trò chơi ra nhưng kèm theo một cảnh báo, Hà Đông nói: "Hãy nghỉ ngơi".