Cách đây chục năm, lần đầu tiên đặt chân đến thành phố gần hai mươi triệu dân, tôi thấy “ngợp” và “ngán”. Y như cảm giác chị bạn người Anh Liz Hodgkin: “Lần đầu tiên khi tôi sang Mỹ, tôi cảm thấy bị lạc ở một xã hội khác biệt: xe ôtô quá khổ, thức ăn nguội để ăn nhanh…”. Một người Anh là dân tộc họ hàng với người Mỹ lại thuộc gia đình đại trí thức (mẹ được giải thưởng Nobel hóa học) mà còn nghĩ thế, huống hồ là tôi. Nhưng chị Liz nói tiếp: “Muốn hiểu một đất nước, một nền văn hóa thì phải tắm mình vào để trở thành một thành phần của nó”.
Dĩ nhiên người New York thì yêu thành phố quê hương họ, cũng như ta học trong Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị “Chỗ quê hương là đẹp hơn cả!”. Còn chị bạn Martha Hess - tác giả cuốn Những tiếng nói từ Việt Nam (1993) là dân New York 100%. Trong bức thư gửi cho tôi, chị nói cảm tưởng của chị về New York: “Có một bức tranh biếm họa nổi tiếng giễu cợt quan niệm người dân New York, trái đất là một bản đồ khổng lồ thu nhỏ dần thành khu Manhattan của New York, còn Paris chỉ là một chấm nhỏ ở phía bên kia. Chúng tôi tự cho mình là cả thế giới. Để phản ứng lại, người các nơi khác thường tỏ ra khinh miệt chúng tôi về những cái bẩn thỉu, tội ác…
Họ lắc đầu và tỏ ra không tin khi tôi bảo họ là tôi thích sống ở đây hơn bất cứ đâu khác. Buổi sáng, tôi rời bỏ ốc đảo căn hộ của tôi, xuống thang máy, chào người gác cổng và biến vào mớ hỗn độn ồn ào của cuộc sống New York. Tôi đi qua những người vô gia cư đang nằm ngủ ở các cổng nhà, những người ăn xin, người nghiện ma túy, gái mại dâm và những người nói lảm nhảm một mình. Rất nhiều người New York nói lảm nhảm một mình. Tôi xuống các bậc thang và nhập vào thế giới bẩn thỉu và tanh hôi của hệ thống đường tàu điện ngầm. Có buổi sáng tôi đếm được chục người nằm ngủ trên ghế dài ở một trong hàng trăm nơi tàu đỗ.
Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu. |
Tàu đến, không bao giờ có đủ tàu, vì vậy, chuyến nào cũng đầy ắp. Người ta chen nhau, kéo nhau để có chỗ leo lên. Đôi khi tôi nhìn tôi trong gương cửa kính mà giật mình thấy mình biến trong đám vô danh. Có lần tôi tự hỏi: Có bao nhiêu khẩu súng trong toa này? Nhiều khi tôi vùi đầu vào cái gì đó để đọc và không ngẩng lên cho tới ga tôi xuống. Đi làm, về nhà, vẫn một con đường ấy hàng ngày, hàng năm như vậy. Vậy mà không một lúc nào buồn tẻ. Phố New York luôn náo nhiệt, có hội hè, âm nhạc, tủ kính bày hàng, một đám đông làm choáng mắt có đủ loại người, cao thấp gày béo, đủ màu da và hình thù trên trái đất. Chúng tôi là người châu Phi, Mỹ Latinh, Âu, Á. Chúng tôi là Do Thái, người đạo Tin Lành, Gia Tô, Hồi giáo, vô thần… Chúng tôi nói hàng trăm thứ tiếng. Một số đã ở đây nhiều thế hệ và một số mới đến. Bạn muốn tìm thức ăn gì ở New York cũng có.
Có những cửa hàng ăn của người Êtiopi, Trung Quốc, Pháp, Việt bên cạnh cửa hàng ăn Mỹ Mac Donal và gà quay Kentucky. Chuyển sang văn hóa, bạn muốn nghe nhạc ư? Bạn muốn xem vở ba lê hay nhất thế giới? Bạn muốn nghe nhạc cổ điển hay ca kịch Đài Loan? Hay một vũ đoàn dân tộc Tây Phi? Giở tờ báo ra, rất có khả năng bạn tìm thấy ở đó món du hí thích hợp với bạn ngay tối nay. Tôi muốn giới thiệu thêm Công viên Trung tâm. Đó là công viên tôi thích nhất: có nhiều hồ, nhiều vườn, nhiều lối đi, hòa nhạc, đá bóng, diễn kịch, chạy thể dục, đi xe đạp… Khác với ở Việt Nam, chúng tôi ở đây đi xe đạp để giải trí chứ không phải phương tiện giao thông. Phía Đông công viên ấy có Viện bảo tàng mỹ thuật to lớn và là kho tàng văn hóa thế giới, đến mức từ ba chục năm nay, tôi vẫn chưa xem hết. Rồi Bảo tàng khoa học tự nhiên, nơi bố mẹ dẫn tôi tới khi tôi còn nhỏ. Nơi tôi dẫn các con nhỏ của tôi, nơi có những phòng trưng bày xương khủng long, một hình mẫu khổng lồ của cá voi, các con vật độn rơm thuộc đủ các loài, những mẫu người vượn, những bộ mẫu khoáng vật và một mô hình thái dương hệ tuyệt vời.
Có thể không phải New York là thế giới, nhưng tôi thấy hình như là thế giới đã tụ tập ở New York. Còn bố của Martha Hess - ông John L.Hess, nhà báo kỳ cựu của New York Times thì cười mà bảo tôi: “Tôi thuộc loại người may mắn. Tôi được sống trong thành phố giàu nhất thế giới, nơi hàng triệu người đến tìm cách làm giàu, hay tìm vinh quang, hay để hưởng kho tàng văn hóa nghệ thuật đầy ắp ở đây. Vậy mà đến một nửa dân thành phố tôi lại muốn sống ở nơi khác. Dù sao New York cũng vẫn đầy sinh lực. Nó vẫn tồn tại qua bao thế hệ những người cai trị bất lực có vẻ muốn phá hủy nó. Dường như do nghị lực, năng lực và văn hóa, nó vẫn thu hút được nhiều tài năng của cả nước và cả thế giới. Ở New York, chúng tôi nói 100 ngôn ngữ, 100 kiểu ăn. Nhiều người New York tốt bụng, sẵn sàng giúp người láng giềng. Sống ở New York là một cuộc phiêu lưu, có nhiều khó khăn, nhưng lại nhiều hưởng thụ, tiếc thay không thể chia đều cho mọi người!”.
Hữu Ngọc