Ngày 7/9, cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp tới các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, gió giật mạnh. Sức ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm rất nhiều cây xanh bật gốc, gây tổn hại về người và tài sản. Vì thế, nhiều người đang sử dụng xe tỏ ra lo lắng và thắc mắc với trường hợp rủi ro này có được chịu bồi thường hay không.
Trao đổi về vấn đề trên với Báo Điện tử VietnamPlus, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật nhận định rằng cây xanh được trồng và quản lý bởi các cơ quan chức năng có chuyên môn, có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện cắt tỉa các cành cây để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Do vậy, việc tình trạng những cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trên đường ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc cây trồng quản lý.
Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Tuy nhiên người gây thiệt hại không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp bất khả kháng khi có đủ ba điều kiện: Sự kiện xảy ra một cách khách quan; Không thể lường trước được; Không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, lỗi sẽ hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại nếu như chủ phương tiện dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định hoặc người điều khiển phương tiện cố tình đi lên vỉa hè bị cây đổ đè lên người. Còn trường hợp cây xanh dọc vỉa hè đỗ gãy gây tai nạn cho người đi đường thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Tương tự với tài sản là xe, nếu đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe.
Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.
Về phía góc độ các đơn vị bảo hiểm ôtô, anh Trí Công, chuyên viên chăm sóc khách hàng của một đơn vị bảo hiểm ôtô cho biết nếu xe bị hư hỏng do cây đè, cột điện đổ vào, mưa ngập, công ty bảo hiểm ôtô sẽ có trách nhiệm bồi thường khi khách hàng đã mua bảo hiểm vật chất xe. Đây là một loại hình bảo hiểm ôtô tự nguyện, hay còn gọi là bảo hiểm thân vỏ xe ôtô.
Theo quy định, loại hình bảo hiểm vật chất xe ôtô sẽ có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: Đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cướp toàn bộ xe…
“Trường hợp cây đổ đè ôtô là những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên nên nếu mua bảo hiểm vật chất xe ôtô, chủ xe sẽ được bảo hiểm bồi thường đúng với số tiền mà chủ xe đã chi trả để sửa chữa,” anh Công cho hay.
Tuy nhiên, anh Công cũng nói thêm rằng chủ xe cũng cần lưu ý trong trường hợp ôtô bị cây đè khi đỗ trên đoạn đường cấm đỗ, dù chủ xe đã mua bảo hiểm vật chất xe ôtô cũng sẽ bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường. Thêm vào đó, nếu chủ xe chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc mà không mua bảo hiểm thân vỏ cũng không được công ty bảo hiểm bồi thường khi xảy ra tai nạn./.