Những loại cây dễ gây tai nạn trong sân trường
Sáng ngày 3/4, cây me cao khoảng 30m, đường kính hơn một mét trong Trường THCS Trần Văn Ơn, trên đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM bị bật gốc đổ ra đường, đè trúng 7 người.
Nhiều phụ huynh đứng bên trong trường và người đi xe máy bị nhánh cây đè trúng. 5 người bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại hiện trường, ba xe máy bị cây đè vỡ nát, hư hỏng. Thân cây, tán lá chắn ngang đường. Rễ cây mục ruỗng bật khỏi mặt đất. Hơn 20 nhân viên công ty công viên cây xanh TP HCM đến hiện trường khắc phục sự cố. Nhiều người dùng cưa phân nhỏ nhánh cây để di dời.
Trong số nạn nhân co một nam sinh lớp 7, một phụ huynh và 5 người đi đường bị thương do bị cây đè. Trong đó, phụ huynh bị thương khá nặng đang được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, những người còn lại bị thương nhẹ. Nam sinh lớp 7 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đây không phải là lần đầu cây xanh trong trường học ở TP HCM bị bật gốc. Ba năm trước, cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong. Sau sự cố này, Sở Xây dựng TP HCM đã khảo sát hơn 430 cây trong 21 trường, và đề xuất đốn hạ nhiều cây bị sâu bệnh, mục thân, có nguy cơ đổ.
PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp), cho rằng hiện nay nhiều khuôn viên trường trồng quá nhiều cây như phượng, hoa sữa, bàng, cau vua, sanh, đa… Những loài cây này thường cho hoa đẹp, ấn tượng của mùa hè nhưng rất dễ gãy nhánh đổ thân. Ở một số trường học mới xây dựng, cũng đưa vào trồng những cây giống kích thước đường kính lớn từ 25 - 30 cm, chiều cao từ 6 - 7 m với hy vọng nhanh tạo bóng mát và đẹp mắt. Tuy nhiên, những cây này khi chuyển về trồng rễ cái đều bị chặt bỏ nên khả năng đứng vững trước gió bão rất kém. Hơn nữa, những cây này còn rất dễ bị mục thân và chỗ cành lớn bị cắt nên nguy cơ tự đổ gãy trong tương lai là rất cao.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, TP.HCM cho biết, có mấy nhóm loại cây không nên trồng ở trường học. Đó là những cây mà trong thân, lá, hoa quả có chất độc. Những cây cành giòn dễ gãy khiến học sinh có thể gặp tai nạn khi trèo lên. Những cây ăn trái, vì sẽ thúc đẩy học sinh trèo cây gây tai nạn. Những cây cho hoa hoặc bộ phận có mùi hôi, hoặc mùi quá mạnh, ảnh hưởng đến môi trường học tập, gây dị ứng. Những cây có bộ rễ ăn nông, dễ gây hư hại đến công trình trong trường hoặc gãy đổ gây tai nạn.
Rà soát loại bỏ cây cao trên 12m trong sân trường
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, tùy thuộc vào vị trí, khu vực, cảnh quan xung quanh mà lựa chọn loài cây trồng cho phù hợp. Tuy nhiên, việc trồng cây trong khuôn viên của các tổ chức, các nhân cần lưu ý một số tiêu chí như sau: không nên trồng chủng loại cấm trồng trên đường phố, tùy thuộc yêu cầu mà chọn chủng loại đặc tính sinh trưởng nhanh, chậm,… cây có hoa đẹp; thân thẳng, tán đẹp, hệ rễ phát triển tốt; Khả năng thích nghi và phát triển tốt; nên chọn cây tiểu mộc và trung mộc.
Ngoài việc chọn loài cây, công tác trồng và chăm sóc cây rất quan trọng nhằm hạn chế sự cố cây xanh. Cây cần được cắt tỉa, chăm sóc định kỳ (mé nhánh, tẩy chồi, cắt tạo tán làm thông thoáng tán cây,…), trong quá trình chăm sóc nên khống chế chiều cao cây không quá 10m.
Riêng với cây phượng là một loại cây tán rộng, rất mát nhưng khó chăm sóc. Với những cây to từ 40 cm trở lên là rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh rất giòn, dễ gãy, gốc rất dễ mục... do vậy các trường nên hạn chế trồng và phải kiểm tra thường xuyên nếu có.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, về trồng cây xanh trong trường học, đối với cây hiện có, cần tầm soát và mạnh dạn bỏ các cây gỗ mềm, rễ dễ bị thối như phượng vĩ, viết; đốn bỏ các cây quá cao trên 12 mét, vì phí bảo quản mé nhánh hàng năm tốn kém cho trường. Trồng thay thế bằng cây con ươm từ nhỏ; không trồng cây bứng, khả năng ra rễ cọc thấp và hệ thống rễ khó phát triển vì cây đã lớn. Khi trồng phải đào hố rộng, chi phí cho hố thích đáng, thay bằng đất xốp để hệ rễ phát triển, cây chóng lớn.
Riêng đối với những nơi có cây đã to lớn, sau khi đơn vị chuyên môn kiểm tra nếu chưa có vấn đề phải đốn bỏ, nên làm những cây sắt có vòng tròn trên đầu chống xung quanh thân cây (như kiềng ba chân) để phòng trường hợp cây nghiêng, đổ nguy hiểm.
Trường học chỉ nên trồng các loại cây có chiều cao từ 10m trở lại để dễ khống chế. Không nên trồng những cây quá cao vì rất khó xử lý cành, trong trường hợp bị bật gốc còn nguy hiểm hơn. Những cây xanh mà các trường có thể trồng là sao dầu (hay còn gọi là sao đen), nhạc ngựa, vàng anh…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 3/4: Phút Kinh Hoàng Xe Khách Lao Vào Nhà Dân Khiến 10 Người Thương Vong | SKĐS