Vợ cháu bị viêm da cơ địa ở tay khá lâu rồi, mỗi khi thay đổi thời tiết tay mẩn ngứa rất khó chịu. Vân tay cũng gần như bị mất. Cháu nghe nói cây vòi voi chữa được bệnh này. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn ạ!
Đỗ Văn Thạch (kisithotang@gmail.com)
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi: Cây vòi voi còn gọi là vòi voi, cẩu vĩ trùng, đại vĩ đạo. Sở dĩ có tên vòi voi vì cụm hoa của cây giống hình vòi con voi. Người ta dùng toàn cây, hái về phơi khô hoặc dùng tươi. Vòi voi có 2 tác dụng chủ yếu: cao rượu vòi voi có tác dụng tốt với những trường hợp viêm hay cương tụ huyết chưa làm mủ: đắp cao rượu vòi voi giúp làm dịu đau ngay, bệnh nhân có cảm giác mát dịu, không nhức nhối, đắp trong 3-4 ngày, đắp ướt liên tục. Nếu đã làm mủ rồi, cao rượu vòi voi không có tác dụng làm tan mủ nhưng cũng có tác dụng làm cho mủ không lan rộng hơn và làm bớt sưng tấy. Tác dụng thứ 2 là chữa sưng đầu gối với triệu chứng: mỏi đầu gối sau vài ba ngày thì đỏ và sưng to, sốt nhẹ, đau không đi lại được. Dùng cây tươi chặt thành đoạn nhỏ, giã dập bỏ vào nồi sao với dấm hoặc với rượu, gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng. Trong nhân dân, vòi voi là vị thuốc chữa tê nhức mụn nhọt, viêm họng mẩn ngứa. Dùng uống trong hay xoa đắp bên ngoài. Ngày uống 15-20g tươi. Tuy nhiên cũng theo sách này thì cây vòi voi có tính độc. Tính độc này thường không thể hiện ngay mà thường xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài, khó phát hiện, vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc. Bộ Y tế (1985) cũng có chỉ thị thận trọng khi dùng vòi voi chữa viêm da cơ địa dù chỉ là dùng ngoài để đắp theo y học cổ truyền. Và không thấy nói đến tác dụng điều trị bệnh viêm da cơ địa của vợ bạn.
Cây vòi voi.
Tốt nhất bạn nên đưa vợ đi khám để điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc lương y. Điều quan trọng là người bệnh cần giữ ẩm cho da, tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, xà phòng... tránh thức ăn mà cơ thể dị ứng vì đó là nguyên nhân làm bệnh tái phát và thêm nặng.
BS. Vũ Lan Anh