“Cây trắc bạc tỷ” và hậu họa từ “vàng mun”

04-05-2011 07:26 | Xã hội
google news

Chuyện ông Nguyễn Ngọc Thanh ở huyện Ðăk Hà (tỉnh Kon Tum) phát hiện được “cây trắc bạc tỷ” là có thật. Tuy nhiên sau đó, đã có một số người dân ở huyện này đổ xô đi tìm gỗ trắc (tiếng lóng gọi là “vàng mun”) để đổi vận may,

Chuyện ông Nguyễn Ngọc Thanh ở huyện Ðăk Hà (tỉnh Kon Tum) phát hiện được “cây trắc bạc tỷ” là có thật. Tuy nhiên sau đó, đã có một số người dân ở huyện này đổ xô đi tìm gỗ trắc (tiếng lóng gọi là “vàng mun”) để đổi vận may, nhưng đến nay chưa thấy đại gia “vàng mun” nào xuất hiện, mà có rất nhiều thửa ruộng, bờ ao, con đập... đã bị “trắc tặc” xăm xoi lở loét.

Trồng chuối ra... “vàng mun”

Đã hơn một tháng kể từ ngày ông Nguyễn Ngọc Thanh 53 tuổi, trú tại thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) phát hiện được “cây trắc bạc tỷ”, chúng tôi mới có dịp mục sở thị cây trắc to lớn nằm dài thườn giữa sân nhà ông. Sau những lời chào hỏi xã giao, ông không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về chuyện gặp “vàng mun” có một không hai này. Ngày 16/3/2011, trong lúc đào hố trồng chuối ở cuối vườn nhà, ông cuốc phải một gốc cây rất cứng ở độ sâu 0,5m. Nghi là gỗ quý, ông tiếp tục đào rộng ra và phát hiện đây là gốc gỗ trắc rất to. Càng đào mở rộng để tìm kiếm, ông thấy thân gỗ trắc vẫn còn nguyên vẹn cả vỏ cây từ gốc đến ngọn. Xác định cây trắc này ngày trước đã bị ai đó đốn hạ và ngã xuống theo độ dốc của con suối, nên ông đã nhờ 5 anh em trong gia đình tập trung đào bới. Càng đào về phía ngọn cây trắc thì độ sâu lên đến trên 2m, vì vậy, 5 anh em của ông phải đào mất 5 ngày mới lộ diện được cây trắc: đường kính bình quân 0,4m, chiều dài 21m và nặng khoảng trên 2 tấn. Để đưa được cây gỗ trắc từ chỗ phát hiện lên đến sân nhà của ông xa hơn 50m với độ dốc khoảng 30 độ, ông phải dùng đến máy nổ gắn dây cáp để tời cây gỗ trắc lên. Tiếng đồn vang xa, nhiều thương lái đến hỏi mua cây gỗ trắc của ông, nhưng phần lớn họ chỉ trả chưa đến 1 tỷ đồng nên ông không bán. Cuối cùng, một thương gia buôn gỗ thứ thiệt đến mua cây gỗ trắc này với giá 1,12 tỷ đồng và ông nhất trí bán. Hiện người mua cây gỗ trắc đã đặt cọc với ông 220 triệu đồng và hẹn sẽ chuyên chở khỏi địa bàn khi đầy đủ giấy tờ cho phép của địa phương.

 “Cây trắc bạc tỷ” đang nằm giữa sân nhà ông Nguyễn Ngọc Thanh trú tại thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Ảnh: Thành Tú

Ông Thanh kể tiếp: Năm 1982, ông vào lập nghiệp tại huyện Đăk Hà. Từ đó đến nay, trong quá trình đi làm ruộng rẫy, ông cũng như những người dân ở đây thường gặp các lõi gỗ trắc, nhưng chỉ là gỗ trắc loại nhỏ, với khối lượng khoảng vài chục kg trở lại. Những người vào lập nghiệp trước ông kể rằng: Sau năm 1975, Nhà nước phát động phong trào trồng cây cà phê nên “vùng rốn gỗ trắc” ở đây đã được các nông trường mở rộng khai hoang lấy đất. Biết bao cây gỗ quý đã đem đi tiêu thụ, số còn lại họ dùng xe ủi lùa xuống các ao hồ, sình lập, khe suối... để lấy đất sản xuất. Vì vậy, sau hơn 35 năm sinh sống nơi đây, ông là người đầu tiên may mắn phát hiện được cây gỗ trắc có trọng lượng lớn đến như vậy. 

Người dân đổ xô đi tìm “vàng mun”

Theo điều tra của chúng tôi, lúc đầu họ chỉ xăm xoi tìm gỗ trắc trong phạm vi vườn nhà, ruộng rẫy của họ. Nhưng do có người phát hiện những “thỏi” gỗ trắc nặng từ vài kilogam đến vài chục kilogam có giá từ 500 - 800 ngàn đồng/kg, nên lúc đầu chỉ có một vài người, dần tăng lên hàng trăm người thường xuyên đi xăm xoi rẫy vườn hàng xóm.

 Một cây trắc hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ sát gốc.Ảnh Y.V

Ông Lê Văn Dũng - Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cho biết: Mỗi ngày vào khoảng 7 giờ sáng, dọc đường Quốc lộ 14 đoạn đi qua xã Đăk Mar, ông thường thấy từng tốp từ 2 - 3 người đi xe máy chở theo từ 1 - 2 cây thép đường kính 16cm, dài từ 2 - 3m đi xăm xoi gỗ trắc. Họ dùng các cây thép này xiên xuống lòng đất tại các ao hồ, sình lầy, ruộng nước... để tìm gỗ trắc. Khi xiên xuống, nếu trúng vật cứng nghi là gỗ, họ lấy một ống nhựa cứng có đường kính từ 27 - 30cm lồng xuống theo đường xiên của cây thép, sau đó rút cây thép lên và tra vào đầu cây thép một mũi khoan, rồi bỏ mũi khoan xuống theo đường ống nhựa và khoan lấy gỗ kéo lên “làm mẫu”. Nếu xác định đúng là gỗ trắc thì họ mới tiến hành khai thác. Vì vậy, độ chính xác khi tìm kiếm gỗ trắc ở dưới đầm lầy, ao hồ, ruộng lúa... lên đến 97%. Có chỗ họ dùng cả xe máy cẩu nhỏ để cẩu gỗ trắc ở độ sâu trên 2m lên mặt đất. Còn thực chất, ở các lô cà phê thì họ không thể xiên cây thép qua được, vì hiện nay đang là mùa nắng nên đất rất cứng.

Ông Nguyễn Bá Lý - Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Hà cho biết: Vừa qua, ở xã Hà Mòn có trường hợp người đi tìm gỗ trắc vào vườn, rẫy của người khác tìm kiếm, khi phát hiện có gỗ trắc thì gia chủ không cho khai thác. Vậy là họ đã gây gổ và “đòi ăn hôi” với gia chủ. Sự việc này đã được UBND xã Hà Mòn kịp thời ngăn chặn. Còn ở thôn 9, xã Đăk Mar thì người dân đã đào bới tìm gỗ trắc gần cầu máng dẫn nước làm ảnh hưởng đến công trình cộng cộng, nhưng đến nay đã được chính quyền xã xử lý dứt điểm.

Một số người dân ở xã Đăk Mar thì cho rằng: Việc “trắc tặc” vào ruộng, rẫy của người dân xăm xoi tìm kiếm gỗ trắc là có, nhưng do chưa tìm thấy được “vàng mun” nên họ chưa đào bới phá hoại gì nhiều. Tuy nhiên, bà con rất cần sự can thiệp của chính quyền địa phương, chứ để “nước đến chân mới nhảy” thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cần các biện pháp quyết liệt

Sau sự việc một số người dân trên địa bàn huyện tổ chức tìm kiếm, đào bới, khai thác gỗ trắc đem bán, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, làm hư hại một số hoa màu và cây trồng của nhân dân, UBND huyện Đăk Hà đã có Công văn số 269/UBND-TH về việc nghiêm cấm việc đào bới, khai thác cây gỗ trắc và các lâm sản trái phép khác trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Bá Lý cũng cho biết: Đến nay, UBND huyện đã cấp 2 giấy phép khai thác gỗ trắc tại vườn nhà và ruộng rẫy của người dân cho 2 ông Mai Văn Thạnh và Mai Văn Tiến ở xã Đăk Hring. Sau khi khai thác xong, do số lượng gỗ trắc ít nên 2 ông này đã làm nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước và đã đưa số gỗ trắc khai thác được về sử dụng trong gia đình. Việc ông Nguyễn Ngọc Thanh phát hiện “cây trắc bạc tỷ” thì chính quyền phải tạo điều kiện cho ông bán. Tuy nhiên, do còn vướng một số thủ tục, nên đến nay giấy tờ buôn bán, vận chuyển, thuế má cây gỗ trắc này chưa giải quyết xong, nên huyện chưa cấp giấy phép vận chuyển ra khỏi địa bàn được.

 Gỗ trắc bị đốn hạ nham nhở trong rừng.Ảnh Y.V

Tuy nhiên, việc nghiêm cấm đào bới, khai thác cây gỗ trắc và các lâm sản trái phép khác trên địa bàn huyện Đăk Hà đã triển khai đến tận thôn làng, nhưng nhìn chung, hiệu quả của nó chưa thật sự đi vào cuộc sống. Nên chăng, các ngành chức năng của huyện Đăk Hà cần bắt tay vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa mới mong dẹp được nạn “trắc tặc” trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không được bỏ sản xuất để đi đào bới, khai thác gỗ trắc và các lâm sản trái phép khác, làm thiệt hại hoa màu, cây trồng và ảnh hưởng đến các công trình công cộng.

Phóng sự của ­Thành Tú


Ý kiến của bạn