Cây mọc hoang ở các trảng cỏ và bờ nương rẫy vùng núi cao. Bộ phận dùng làm thuốc là thân hành, thu hái vào cuối mùa hạ đầu mùa thu, khi cây bắt đầu khô héo, rửa sạch, tách vảy, đồ nóng hoặc nhúng vào nước sôi 5 - 10 phút, phơi hoặc sấy khô hoặc sao tẩm với mật ong. Dược liệu có màu trắng ngà hay vàng nhạt, cứng, có đường gân ở trong, dễ bẻ gãy, vị hơi đắng, nhớt.
Theo kinh nghiệm dân gian, tỏi rừng có vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng dưỡng âm nhuận phế, thanh tâm, an thần, giải độc, nhuận trạng, lợi đại tiểu tiện,… Thường dùng làm thuốc bổ, chữa ho, ho khan hoặc ho có đờm đặc, viêm phế quản, thần kinh suy nhược, mất ngủ,… Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm
Bài 1: Chữa tiểu khó, nước tiểu ngắn đỏ do phế nhiệt:Tỏi rừng 12g, mạch môn đông 12g, cam thảo 8g, bạch thược 10g, mộc thông 8g, sắc uống. Dùng 5 - 7 ngày.
Bài 2: Chữa ho do viêm phế quản: Tỏi rừng 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, ý dĩ nhân 15g, thiên môn đông 10g, tang bạch bì 12g, nước 1.000ml. Sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Hoặc: Tỏi rừng tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo tẻ 50g. Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cháo, đến khi gần được cho tỏi rừng và hạnh nhân (bỏ vỏ) vào, cho thêm ít đường, ăn trong ngày, có công dụng nhuận phế, trừ ho, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản, khí quản.
Bài 3: Chữa mất ngủ: Tỏi rừng tươi 60g, mật ong 1 - 2 thìa, hấp chín, ăn trước khi ngủ. Hoặc: Tỏi rừng 30g, hạt sen 30g, thịt lợn 250g, hầm nhừ, ăn trong ngày.
Bài 4: Dưỡng tâm, an thần (dùng khi tâm hồi hộp, tâm phiền, nhất là sau khi ốm dậy): tỏi rừng 24g, tri mẫu 12g, ngọc trúc 12g, sắc uống. Dùng 7 - 10 ngày.
Bài 5: Mụn nhọt sưng đau: tỏi rừng 12g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sắc uống. Hoặc dùng tỏi rừng tươi thêm vài hạt muối, giã nát, đắp vào mụn nhọt sẽ chóng khỏi.
Lương y Hữu Đức