Cây tầm xuân (tên gọi khác: dã tường vi, thập tỉ muội, hồng tầm xuân, ngưu cúc, thích hoa,...) có tên khoa học là Rosa multiflora Thunb. Cây tầm xuân có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đưa về Việt Nam từ cách đây rất nhiều năm.
Cây tầm xuân toàn thân nhiều gai nhọn, có móc giúp chúng leo lên dễ dàng để sống bám vào các cây khác hoặc mọc thành bụi, chiều cao từ 1-5m; Cây có lá dạng kép lông chim, với 5-7 lá chét. Lá có hình dạng nhỏ và dài 2-5cm, bề mặt lá có lớp lông tơ nhỏ; Hoa tầm xuân có đường kính khoảng 4-6cm, gồm 5 cánh. Hoa thường mọc theo chùm và chỉ nở duy nhất một mùa trong năm vào mùa xuân. Quả tầm xuân có màu đỏ rất đặc trưng; Hạt tầm xuân chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Cây tầm xuân có quả màu đỏ rất đặc trưng, sắc uống trị táo bón.
Cây tầm xuân được sử dụng làm thuốc dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, giã đắp vào tổn thương. Sau đây là một số bài thuốc thường dùng:
Trị chảy máu cam, nôn ra máu: Hoa tầm xuân 6g, tử tuệ căn 15g, rễ cỏ tranh 30g. Sắc uống.
Trị viêm loét niêm mạc miệng: 30ml sương đọng trên hoa tầm xuân được lấy vào buổi sáng sớm. Pha sương thu được với một chút nước ấm uống trước khi ăn.
Trị mụn ung nhọt có mủ: Lá tầm xuân khô, giấm, mật ong. Nghiền lá tầm xuân thành bột mịn. Khi dùng lấy một ít trộn chung với giấm và mật ong sao cho được hỗn hợp đặc sệt, đắp vào nơi tổn thương mỗi ngày 1 lần.
Chữa phù cho bệnh nhân viêm thận: Quả tầm xuân 6g, hồng táo 3g, sắc uống.
Hoặc dùng: Quả tầm xuân 20g, đại hoàng 3g. Sắc uống hàng ngày, chia làm 3 phần uống vào buổi sáng, trưa, tối.
Trị đau răng, chữa viêm loét miệng: Rễ tầm xuân tươi. Sắc nước đặc uống hoặc ngậm trong miệng 5-10 phút. Ngày 3 lần.
Chữa u bướu tuyến giáp: Hoa tầm xuân 5g, hoa trùng bì 5g, hoa thanh bì 5g, hoa hồng 5g. Sắc uống, uống khi thuốc còn ấm.
Chữa viêm loét ở chân: Lá tầm xuân tươi hoặc khô. Nấu nước để vệ sinh vết thương 2-3 lần trong ngày.
Chữa bỏng dùng 1 trong 2 bài thuốc sau: Lấy rễ tầm xuân tươi nấu nước rửa vết bỏng.
Hoặc dùng bài: Rễ tầm xuân sấy khô, nghiền thành bột rồi trộn với dầu vừng đắp vào nơi tổn thương.
Trị nhọt độc sưng đau: 1 nắm lá và cành non của cây tầm xuân, một ít muối ăn, giã nát. Sau đó, đắp trực tiếp lên nốt mụn, dùng băng gạc y tế băng cố định lại Thay thuốc 1-2 lần mỗi ngày.
Trị liệt mặt, liệt nửa người do biến chứng của bệnh tăng huyết áp: rễ tầm xuân 30g. Sắc nước đặc uống trong ngày.
Chữa tiểu khó, bí tiểu: Quả tầm xuân 10g, mã đề và biển súc mỗi loại 30g. Sắc uống.
Trị viêm khớp, liệt nửa người, rối loạn kinh nguyệt, tiểu tiện mất kiểm soát: Rễ tầm xuân 30g. Sắc uống.
Chữa đái dầm và chứng đi tiểu đêm nhiều lần: Rễ tầm xuân 30g. Sắc uống.
Hỗ trợ điều trị bệnh phổi: Rễ tầm xuân 15g, bo bo 30g, hạt bí đao 30g. Sắc uống.
Chữa bệnh trĩ ra máu, tổn thương do trật đả: Rễ tầm xuân tươi 30g. Rửa sạch, giã nát lọc lấy nước uống.
Trị đau bụng kinh: Quả tầm xuân 120g, đường, rượu vang. Sắc quả tầm xuân sắc lấy nước đặc. Sau đó hòa chung với đường và rượu vang uống khi thuốc còn ấm.
Trị táo bón: Quả tầm xuân 10g, tướng quân 3g. Sắc uống.