Hà Nội

Cây sung làm thuốc

30-03-2013 11:00 | Y học cổ truyền
google news

Sung là loại cây phổ biến ở nước ta. Quả sung, lá, nhựa và vỏ sung đều được dùng làm thuốc để trị nhiều chứng bệnh khác như chốc lở, mụn nhọt sưng đau, tắc tia sữa, mất sữa... Dưới đây xin giới thiệu một cách chữa bệnh từ cây sung để bạn đọc áp dụng khi cần thiết.

Sung là loại cây phổ biến ở nước ta. Quả sung, lá, nhựa và vỏ sung đều được dùng làm thuốc để trị nhiều chứng bệnh khác như chốc lở, mụn nhọt sưng đau, tắc tia sữa, mất sữa... Dưới đây xin giới thiệu một cách chữa bệnh từ cây sung để bạn đọc áp dụng khi cần thiết.

Trị đau đầu vùng thái dương: nhựa sung mới lấy, phết đều lên mặt của 2 mảnh giấy bản có đường kính khoảng 3cm, dán nhẹ vào 2 bên thái dương, sẽ có tác dụng giảm đau rõ rệt đồng thời có thể ăn 20 - 30g lá sung non hoặc uống khoảng 5ml nhựa sung tươi, hòa với nước sôi để nguội.

Trị chốc lở đầu ở trẻ em: quả sung chín, giã nát, đắp vào nơi bị bệnh, để khoảng 1,5 - 2 giờ bỏ ra. Dùng nước sắc bạc hà rửa sạch mụn lở. Tiếp theo dùng hạt nhãn đốt cháy, tán bột mịn, rắc đều vào nơi lở loét. Ngày làm một lần.

Hoặc dùng vỏ tươi cây sung, sài đất tươi mỗi thứ 50g, lá trầu không 30g, bồ kết 20g sắc nước gội. Ngày một lần.

Hoặc dùng lá vú sung 40g; huyền sâm, huyết giác, ngưu tất mỗi vị 20g. Sắc uống, ngày một thang, trước bữa ăn 1 giờ. Uống vài tuần lễ.

Cây sung làm thuốc 1
 Quả, lá, nhựa và vỏ cây sung đều có tác dụng chữa bệnh.

Trị mụn nhọt, sưng đau:

Lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 - 3 lần. Cũng có thể dùng lá sung non giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau. Ngày vài lần. Với mụn chưa có mủ thì đắp kín. Nếu mụn đã vỡ mủ thì đắp hở miệng. Muốn lấy “ngòi” của mụn ra thì thêm vào hỗn hợp trên một củ hành khô, rồi cũng đắp như trên.

Nếu có nhiều mụn đỏ mọc trên mặt lấy khoảng 500g lá sung nấu nước xông, ngày một lần, dùng nước xông rửa nơi có mụn.

Trị sưng đau vú, ngã chấn thương bầm tím: dùng hỗn hợp nhựa và lá sung non giã nhuyễn, đắp nơi sưng đau, trừ núm vú. Khi bị ngã xây xát, chấn thương bầm tím cơ nhục, cũng có thể đắp hỗn hợp thuốc trên. Chú ý không bôi lên vết thương hở.

Trị tắc tia sữa, viêm tuyến vú: dùng vỏ tươi cây sung, cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng, lá bồ công anh tươi, mỗi thứ 20g, lá cây phù dung tươi, mỗi thứ 20g, thêm ít muối ăn, giã nát, đắp vào nơi sưng đau. Ngày thay 2 lần thuốc. Lưu ý, nếu đã hóa mủ thì không dùng phương pháp này.

Mất sữa: lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Uống 2 - 3 tuần.

Trị bỏng: lá vú sung phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn đều với mỡ lợn, bôi vào nơi bị bỏng. Ngày bôi nhiều lần.

Trị sốt rét, phong tê thấp: vỏ cây sung, cây vú bò mỗi thứ 20g. Vỏ sung cạo sạch lớp bần bên ngoài, thái phiến mỏng, phơi khô. Cây vú bò cắt đoạn, phơi khô, chích mật ong. Cả hai đem sắc, ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần lễ.

Trị cơ thể yếu mệt do khí huyết kém: lá sung bánh tẻ 200g, hoài sơn (sao vàng), liên nhục, đảng sâm, thục địa (chích gừng), hà thủ ô đỏ (chế), ngải cứu tươi, táo nhân (sao đen), mỗi vị 100g. Tất cả tán mịn, riêng ngải cứu sắc lấy nước, thêm mật ong làm hoàn có đường kính 5mm. Người lớn uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12 viên, trẻ em 5 - 10 viên. Tùy tuổi điều chỉnh liều.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn