Hà Nội

Cây sống đời có tác dụng gì?

28-10-2023 06:28 | Y học cổ truyền

SKĐS - Cây sống đời (cây bỏng) ngoài là cây cảnh còn là vị thuốc phổ biến, được sử dụng lâu năm ở Việt Nam và trên khắp thế giới. Ngoài tác dụng điều trị bỏng cây sống đời còn có khả năng điều trị nhiều bệnh khác.

Cây sống đời có tên khoa học Kalachoe pinnata (Lam.) Pers. (Bryophyllum calycinum Salisb.). Thuộc họ thuốc bỏng crassulaceace. Có tên cây bỏng hay "thuốc bỏng" vì cây được dùng làm thuốc chữa bỏng, trường sinh (sống lâu) hay lạc địa sinh căn (rụng xuống đất mọc rễ) là vì cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con.

Cây sống đời thuộc thảo, cao chừng 0,6-1m. Lá mọc đối thành hình chữ thập. Lá dày, có khi nguyên, có khi phân thành 3-5 thùy, mép có răng cưa to, mặt bóng, cuống lá dài 2,5-5cm, phía dưới phát triển ẩn vào thân cây. Cụm hoa mọc ở ngọn hay kẽ lá, màu tím hồng hoặc đỏ, mọc rủ chúc xuống.

Thành phần hóa học trong lá cây sống đời:

Trong lá cây sống đời người ta có chiết được một hoạt chất gọi là bryophylin. Bryophylin có tác dụng kháng khuẩn và có thể dùng điều trị một số bệnh đường ruột. Ngoài ra, lá cây sống đời có chứa hydroxyproline có tác dụng chữa lành các vết thương và Quercetin có vai trò chống oxy hóa, kháng viêm, kháng virus, điều hòa miễn dịch, bảo vệ dạ dày...

Cây sống đời có tác dụng gì? - Ảnh 1.

Cây sống đời không chỉ là cây cảnh có tác dụng tốt cho phong thủy mà còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Các nghiên cứu về tác dụng của cây sống đời

Các kinh nghiệm dân gian sử dụng cây thuốc bỏng để chữa bệnh đã được chứng minh bởi các nghiên cứu lâm sàng. Cây thuốc bỏng có tác dụng kháng khuẩn, chống côn trùng, kháng virus và kháng nấm. Mặc dù có sự tranh cãi giữa các chuyên gia y tế về hiệu quả của cây thuốc sống đời, một số tạp chí y khoa đã trích dẫn thử nghiệm lâm sàng thành công. Ví dụ, Tạp chí Dược phẩm Châu Phi báo cáo kết quả tích cực từ một thử nghiệm trong đó gốc cây sống đời đã được sử dụng để tiêu diệt giun ký sinh. Ngoài ra, tạp chí Journal of Experimental Biology Ấn Độ công bố kết quả của một nghiên cứu trong đó chiết xuất cây sống đời có khả năng chữa lành vết thương của chuột sống rất nhanh.

Bên cạnh đó các nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng chỉ ra những tác dụng của cây sống đời:

- Kháng khuẩn: Nước ép lá cây sống đời đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với vi khuẩn Staphylococcus, vi khuẩn E. coli, Shigella, vi khuẩn Bacillus và Pseudomonas, trong đó có một số chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.

- Chống ung thư: Các hợp chất Bryophyllin có giá trị chống lại tế bào ung thư (tác giả Supratman và cộng sự, 2001.), chất Bersaldegenin-1 ,3,5-orthoacetate có tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào ung thư trên một số dòng ung thư. Tuy nhiên đây là nghiên cứu bước đầu trong phòng thí nghiệm.

- Chống ký sinh trùng: Một chiết xuất từ lá cây thuốc bỏng có thể ngăn ngừa và điều trị bệnh leishmaniasis (một bệnh ký sinh trùng phổ biến ở các nước nhiệt đới được truyền qua vết cắn của ruồi cát) ở cả người và động vật. Quercitrin là một loại flavonoid mạnh trong lá (Muzitano et al., 2006), chiết xuất thực vật này có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum (Tác giả Chenniappan và Kadarkarai, 2010).

- Chống côn trùng: hoạt chất Bryophyllin có tác dụng chống lại ấu trùng tằm (Bombyx mori)

- Chống dị ứng: Ngoài các đặc tính kháng khuẩn, cây sống đời có tác dụng điều trị các bệnh đường hô hấp trên và ho được giải thích bởi các nghiên cứu chứng minh rằng nước ép lá có tác dụng kháng histamin và chống dị ứng mạnh. Trong một nghiên cứu in vivo (với chuột và chuột lang) nước ép lá có thể bảo vệ chống lại gây ra phản ứng phản vệ và tử vong bằng cách chặn các thụ thể histamin trong phổi.

- Chống viêm: có nghiên cứu cho thấy cây thuốc bỏng có thể làm giảm sốt, chống viêm, giảm đau và tác dụng giãn cơ.

- Chống trầm cảm: cây sống đời cũng cho tác dụng giảm đau an thần trên hệ thần kinh. Tác dụng này là do một phần thành phần trong chiết xuất lá có khả năng làm tăng mức độ chất truyền thần kinh trong não gọi là GABA (gamma aminobutyric acid).

- Chống loét cảm ứng: Một chiết xuất từ lá bảo vệ chuột thí nghiệm khỏi loét cảm ứng gây ra bởi các nguyên nhân như căng thẳng, aspirin, ethanol và histamine ….

Cây thuốc bỏng đã được sử dụng để hạ sốt . Chiết xuất từ lá cây đã được khám phá gần đây chống lại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Tuy nhiên vẫn còn khó nắm bắt cần phải nghiên cứu thêm về tác dụng này.

Các bài thuốc kết hợp có lá cây sống đời

- Chữa ngứa: Nếu tự dưng phát ngứa thì có thể lấy lá cây sống đời, nghể răm, lá ké và bồ hòn nấu lên lấy nước xông và tắm.

- Chữa chứng đi lỵ: 40g lá của cây sống đời, 16g cam thảo đất, 20g cỏ seo gà, 20g lá mơ lông. Rửa sạch sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa bệnh trĩ: Cây sống đời kết hợp với rau sam có tác dụng điều trị bệnh trĩ. Mặc dù vậy muốn thực hiện phải có sự tư vấn của bác sĩ đông y được cấp chứng chỉ hành nghề. Không làm theo lời mách hay lời khuyên của những người chưa được cơ quan chức năng công nhận về chuyên môn.

- Chữa chứng đại tiện ra máu: Lấy 30g lá bỏng, 10g cỏ nhọ nồi, 10g ngải cứu (sao cháy), 10g lá trắc bá (sao cháy) sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

- Chữa mụn nhọt khi chưa có mủ: Lấy 30g lá bỏng, 15g lá đại, 20g lá táo. Rửa sạch, giã nát đắp vào mụn ngày 1-2 lần.

Tóm lại: Cây sống đời là loại cây ngoài tác dụng trị bỏng rất tốt, còn dùng để phòng và trị bệnh rất hiệu quả, tùy trường hợp mà ta sử dụng theo kinh nghiệm dân gian tùy theo vùng miền, tùy theo mỗi nước và theo tác dụng dược lý mà chiết xuất từ các bộ phận trên cây thuốc bỏng ở những thời điểm thích hợp. Tuy nhiên cũng giống như các loại thuốc đông y khác khi sử dụng phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa được cấp chứng chỉ hành nghề, không thể tùy tiện sử dụng kẻo lại 'tiền mất tật mang'.

Thuốc từ cây sống đờiThuốc từ cây sống đời

SKĐS - Sống đời (phương ngữ Nam Bộ) còn gọi là cây thuốc bỏng, diệp sinh căn, trường sinh,... Tên Khoa học: Kalanchoe pinnata (Lamk.) Pers Thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae). Bộ phận dùng làm thuốc: lá tươi mới hái, từ lá bánh tẻ đến lá già (không dùng lá đã héo). Thành phần hóa học của lá thuốc bỏng: Acid malic, Acid fumaric, Acid citric, Acid isocitric, Acid alpha cetoglutaric, Acid cis-aconic.


BSCKII Huỳnh Tấn Vũ
Khoa Y học cổ truyển, Đại học Y Dược TPHCM
Ý kiến của bạn
Tags: