Cây sả - Vị thuốc trị cảm lạnh

SKĐS - Cây sả mọc hoang và được trồng trên khắp mọi miền nước ta, là loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn dân tộc.

Cây sả mọc hoang và được trồng trên khắp mọi miền nước ta, là loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn dân tộc. Sả cũng là một trong 10 vị thuốc trong toa căn bản của y học cổ truyền, có nhiều tác dụng phòng chữa bệnh. Ngoài ra, sả còn là nguyên liệu trong mỹ phẩm làm đẹp mượt tóc, cất tinh dầu…

Sả - cây gia vị rất quen thuộc trong nhiều món ăn dân tộc, cũng là vị thuốc Đông y phổ biến trong dân gian.

Theo Đông y, cây sả vị cay, tính ấm vào 2 kinh: phế và vị. Được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Giải cảm lạnh:

Nồi xông giải cảm hàn, cúm: nấu cùng các loại lá thơm khác (bưởi, tía tô, lá tre...).

Gói bột giải cảm: sả khô bỏ rễ 40g, hoắc hương khô 40g, bạc hà khô 40g, vỏ quýt lâu năm 20g, củ gấu (đã chế biến) 20g, cam thảo 20g. Sấy khô, tán bột đóng gói 20g. Người lớn ngày 2 gói chia 4 lần. Trẻ em liều 1/2. Uống với nước nóng, đi nằm cho ra mồ hôi. Nếu có nôn cho 3 lát gừng hãm lấy nước uống cùng.

Chữa tiêu chảy do lạnh (hàn thấp): củ sả sao 12g, riềng sao 12g, gừng tươi nướng 8g, nụ sim 8g (hoặc búp ổi sao 12g). Lấy 500ml nước sắc còn 1/2. Chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa ho do lạnh: củ sả tươi 30g, gừng tươi 20g. Mật ong 30g. Giã sả với gừng lọc lấy 200ml nước, hòa với mật ong đun nhỏ lửa cho sôi là được. Chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa chấn thương sưng đau: củ sả già 12g, muồng 12g, rau má 12g, rễ tranh 12g, cỏ mực 12g, ké đầu ngựa 12g, cỏ màn chầu 12g, ngải xanh 8g, rễ nhàu 8g, gừng 3 lát, thuốc cứu 4g. Sắc 3 bát còn 1 bát, hòa với 1 ly rượu nhỏ để uống.

Ngoài ra, sả còn có nhiều công dụng:

- Làm mỹ phẩm trong dầu gội đầu để sạch mượt thơm tóc, dễ chải; là nguyên liệu chế dung dịch phòng muỗi; trồng sả quanh vườn để xua đuổi cả rắn và rết.

- Làm gia vị đi kèm với các món ăn có tính lạnh hoặc khó tiêu như món thịt chó; thịt bò nhúng giấm, thịt bò kim tiền, thịt bò cuốn mỡ chài, bò bún đều phải có sả ngâm giấm, sả muối dưa để ôn hóa dễ tiêu hơn; thịt vịt (vịt khìa) lươn (xào ớt sả) dồi hầm dừa, lươn om, lươn hấp dùng củ sả và lá sả.

- Muối với sả rang tán vụn để làm món chấm rất phổ biến đối với đồng bào miền núi có tác dụng trừ thấp khí.


BS. Phó Thuần Hương
Ý kiến của bạn