Cây quế tạo sinh kế cho bà con dân tộc Dao đỏ

27-10-2023 06:45 | Y học cổ truyền

SKĐS - Ở xã Xuân Tầm (Văn Yên – Yên Bái) có gần 700 hộ dân là người Dao đỏ, tất cả các hộ đều có vùng trồng quế, dựa vào quế để có thu nhập ổn định.

Nổi tiếng là một trong 4 xã ở Yên Bái nổi tiếng là vùng trồng cây quế hữu cơ, xã Xuân Tầm sở hữu hàng ngàn hecta trồng quế. Từ nhiều đời nay, cây quế đã gắn liền với đời sống của người Dao đỏ nơi đây.

Nhờ có sự giúp đỡ của những người nông dân có kinh nghiệm trong thôn và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các ban ngành đoàn thể, chất lượng cây quế và các sản phẩm ngày càng tăng. Khi cây quế có chất lượng ngày một tốt hơn thì ngày càng nhiều đơn vị tìm đến thu mua với giá cả ổn định. Ông Bàn Văn Phây kể lại: Nhờ có cây quế và kế thừa kinh nghiệm của cha ông để lại, kinh tế của gia đình tôi dần ổn định hơn, 9 người con của tôi cũng lớn lên và gắn liền với nghề trồng quế. Không chỉ nhà tôi mà các gia đình trong thôn không nhà nào không trồng quế".

Cây quế nâng cao thu nhập tạo sinh kế cho bà con dân tộc Dao đỏ - Ảnh 1.

Cây quế đã trở thành cây trồng mũi nhọn của bà con người Dao nói riêng và nhiều địa phương ở Yên Bái nói chung

Cây quế đã giúp rất nhiều gia đình người Dao có cuộc sống ấm no, nhà cửa kiên cố, khang trang hơn trước kia. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 70 cây quế cổ thụ một người ôm không xuể, những cây này đã có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Người dân và chính quyền trên địa bàn xã cùng chung tay bảo vệ những cây quế cổ thụ, người dân lượm hạt giống của những cây quế cổ thụ này rồi đem về mang trồng, nhân giống.

Khác với người Dao đỏ, những người Dao trắng biết đến việc trồng quế muộn hơn. Trước kia, người Dao trắng thường lên rừng phát nương để trồng lúa. Tuy nhiên, qua vài vụ mùa, đất bạc màu không thể canh tác được người dân lại bỏ đi sang khai hoang nơi khác. Thế nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả. Những năm gần đây, nhiều gia đình người Dao trắng đã chuyển đổi từ việc trồng quế thay thế vào phần diện tích nương đồi đã bỏ hoang. Sau một thời gian gắn bó với cây quế, đời sống của nhiều

Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với cây quế, đời sống của gia đình dân tộc Dao trắng đã thay đổi đáng kể, Không những thế nhiều hộ còn thoát nghèo, có của ăn của để.

Cây quế nâng cao thu nhập tạo sinh kế cho bà con dân tộc Dao đỏ - Ảnh 2.

Quế đã và đang đem đến nhiều thay đổi cho cuộc sống người dân vùng cao Văn Yên. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết đến hiện tại, toàn tỉnh có trên 80 nghìn ha diện tích trồng quế, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Yên Bái cũng được biết đến là một trong những vùng có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô lớn và áp dụng những công nghệ hiện đại. Hơn nữa, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ hoạt động theo hình thức sản xuất thủ công.

Xác định cây quế là một trong những loại dược liệu chủ lực và bền vững của huyện, ông Hà Đức Anh (Chủ tịch UBND huyện Văn Yên) cho biết trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chú trọng phát triển việc trồng quế và xác định đây là cây dược liệu mũi nhọn. Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng vùng quế hữu cơ để đem tới những sản phẩm quế tốt nhất cho thị trường, thu hút sức mua và chế biến các sản phẩm đầu ra đa dạng hơn đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Ngoài ra, huyện còn lựa chọn các loại giống quế có chất lượng để đem vào nhân giống và cải tạo giống nhằm chuyển đổi từ giống có giá trị thấp sang giống có giá trị cao.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn