Cấy ốc tai điện tử

02-05-2019 13:53 | Đời sống
google news

SKĐS - Ốc tai điện tử đem lại giải pháp thay thế hiệu quả hơn so với các thiết bị trợ thính vì ốc tai điện tử không dùng cơ chế khuếch đại âm thanh.

Chỉ định cấy ốc tai điện tử

- Điếc ốc tai nặng đến sâu.

- Máy trợ thính không còn đáp ứng tốt.

- Gia đình tin tưởng và sẽ dành thời gian đồng hành cùng bé theo chương trình tập luyện nghe nói sau cấy.

- Không có chống chỉ định phẫu thuật. Sức khỏe có thể chịu đựng được phẫu thuật gây mê 3 - 4 tiếng.

Hệ thống ốc tai điện tử:

Ốc tai điện tử đem lại giải pháp thay thế hiệu quả hơn so với các thiết bị trợ thính vì ốc tai điện tử không dùng cơ chế khuếch đại âm thanh. Thay vào đó, ốc tai điện tử bỏ qua phần ốc tai bị tổn thương và sử dụng xung điện kích thích giúp tai có thể nghe được.

Bộ phận cấy bên trong:

Chứa các điện cực, được  các bác sĩ phẫu thuật trung bình từ 2 - 3 giờ đồng hồ để luồn vào ôc tai

Bộ xử lý âm thanh bên ngoài:

Có thể đeo trên vành tai hoặc ngoài vành tai ở vị trí nào thuận tiện. Bộ xử lý âm thanh bên ngoài gồm 3 phần:

- Bộ xử lý âm thanh đeo trên vành tai:

- Đầu truyền tín hiệu (UHP).

- Dây cáp truyền tín hiệu: Nối từ đầu truyền tín hiệu đến bộ xử lý âm thanh.

Cấy ốc tai  điện tử

Hoạt động của hệ thống ốc tai điện tử:

- Hệ thống ốc tai điện tử tiếp nhận âm thanh xung quanh thông qua các microphone.

- Âm thanh thu nhận được xử lý và chuyển thành tín hiệu kĩ thuật số. Tín hiệu này được chuyển đến đầu truyền tín hiệu.

- Đầu truyền tín hiệu chuyển âm thanh vào bộ cấy phía trong.

- Bộ phận cấy chuyển tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện và tùy tần số âm thanh mà tín hiệu sẽ được chuyển đến khu vực các điện cực tương ứng.

- Các điện cực phát tín hiệu kích thích những tế bào thần kinh thính giác tương ứng để đưa âm thanh lên não.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cấy ốc tai điện tử:

1. Độ tuổi cấy:

Nếu trẻ khiếm thính bẩm sinh, trẻ có thể cấy từ 12 tháng tuổi. Cấy càng sớm sẽ càng thuận lợi cho trẻ áp dụng chương trình tập luyện nghe nói sau cấy. Nếu trẻ/người lớn bị điếc đột ngột, điếc ốc tai mắc phải với mức độ nặng hoặc sâu, cấy càng sớm ngay sau chẩn đoán sẽ càng có hiệu quả hơn.

2. Tình trạng ngôn ngữ: Nếu điếc sau ngôn ngữ, tức là đã có ngôn ngữ trước đó, việc tiếp cận với ngôn ngữ sau cấy sẽ thuận lợi hơn. Nếu điếc trước ngôn ngữ, tức là người cấy chưa hề có ngôn ngữ, kết quả cấy ốc tai điện tử sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác.

3. Hoạt động của các tế bào thần kinh thính giác: Nếu thần kinh thính giác còn nhạy, sẽ thuận lợi cho việc cấy. Nếu thần kinh thính giác đã lâu không được kích thích, dẫn đến giảm độ nhạy, việc tập luyện sau cấy sẽ khó khăn hơn.

4. Hợp tác của cha mẹ và gia đình: Cha mẹ và người thân đóng vai trò quan trọng trong quá trình tập luyện sau cấy, giúp trẻ thành công trong việc học nghe, nói, giao tiếp và hòa nhập.

Những biến chứng có thể gặp trong và sau khi cấy ốc tai điện tử và hướng giải quyết

Bất cứ một phẫu thuật y khoa nào cũng sẽ có những rủi ro nhất định. Trong cấy ốc tai điện tử, một số biến chứng có thể xảy ra như sau:

1. Liệt mặt: Nếu liệt nhẹ sẽ tự khỏi, nếu bị đứt dây thần kinh mặt, có thể nối lại.

2.Viêm não, màng não: Có thể điều trị bằng kháng sinh.

3. Nhiễm trùng huyết: Có thể điều trị bằng kháng sinh.

4. Dịch chuyển bản tiếp nhận tín hiệu: nếu dãy điện cực vẫn nằm nguyên trong ốc tai và vẫn hoạt động tốt, trẻ không đau, theo dõi thường xuyên. Không nhất thiết phải phẫu thuật lại, theo thời gian mô sợi sẽ bao phủ và giữ cố định thiết bị

Nghe 2 tai luôn luôn tốt hơn nghe 1 tai

Nghe 2 tai luôn tốt hơn nghe 1 tai, giúp tai định hướng âm thanh và giúp nghe được âm thanh ở các phía khác nhau, đặc biệt giúp trẻ nghe dễ dàng hơn trong môi trường ồn. Vì thế, đối với trẻ điếc cả 2 tai, sau khi cấy 1 tai, vẫn nên duy trì máy trợ thính ở tai còn lại.

Nếu có điều kiện kinh tế và sức khỏe trẻ có thể cấy ốc tai 2 tai cùng lúc hoặc sau  4 đến 6 tháng trẻ có thể cấy ốc tai cho tai còn lại.

Các bước cần chuẩn bị trước khi cấy ốc tai điện tử

Đánh giá y khoa:

Tiêm chủng: Trẻ nên được tiêm vắc xin ít nhất là 2 tuần trước phẫu thuật. Trẻ khỏe mạnh khi đi tiêm chủng.

Viêm màng não phế cầu (tùy bệnh viện có thể bắt buộc trước phẫu thuật hoặc có thể tiêm sau phẫu thuật).

Trẻ dưới 6 tuổi: tiêm 2 mũi theo lịch.

Trẻ trên 6 tuổi: tiêm 1 mũi duy nhất.

Viêm màng não mô cầu A/C (nếu có thể).

Chụp CT MRI:

Phim MRI và CT phải chụp không quá 6 tháng trước khi phẫu thuật.

Chụp theo đúng yêu cầu ở giấy giới thiệu để có thể sử dụng được trong phòng mổ.

Các xét nghiệm khác:

1. Nếu bệnh nhân có các bệnh khác kèm theo sẽ được gửi đi khám chuyên khoa các bệnh đó để xem bệnh nhân có chịu được phẫu thuật gây mê khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ.

2. Nên kiểm tra bạch cầu 1 tuần trước khi phẫu thuật để tránh trường hợp hoãn mổ do bạch cầu tăng cao (có dấu hiệu nhiễm trùng).

3. Tại các bệnh viện sẽ phẫu thuật: bộ xét nghiệm cơ bản phục vụ tiền mê: chụp phim phổi, điện tim, siêu âm tiêm, xét nghiệm máu, nước tiểu…

Đánh giá thính học, nói & ngôn ngữ:

- OAE, ABR/ASSR: dùng kiểm tra toàn bộ đường truyền tín hiệu (ốc tai, dây thần kinh thính giác, vỏ não thính giác…).

- Đo thính lực có máy không máy, từng tai, hai tai.

- Đánh giá khả năng nghe nói, vốn từ và phát triển ngôn ngữ trước cấy của bé.


TTƯT.BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Ý kiến của bạn