Theo nghiên cứu của y học hiện đại: dịch quả nhàu chứa chất damnacanthal có tác dụng ức chế nhiều loại tế bào ung thư do làm giảm lượng máu tới khối u, dịch chiết quả nhàu làm giảm sự tiết dịch của niêm mạc dạ dày - tá tràng, rất tốt cho trường hợp viêm dạ dày thể đa toan hoặc trường hợp trào ngược dạ dày. Cao lỏng rễ nhàu có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ đường huyết.
Đông y thường chỉ sử dụng rễ nhàu hoặc thân cây nhàu thái mỏng để làm thuốc. Rễ nhàu bào ra có màu vàng sậm như màu nghệ, cây nhàu bào ra có màu vàng lợt hơn... Dược liệu có vị chát, tính bình, quy vào kinh thận, đại tràng, với công năng trừ phong thấp, nhuận tràng, bình can, giáng nghịch, dùng trị đau nhức xương khớp, trị tăng huyết áp, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh, tăng cường miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài tác dụng ổn định áp huyết qua cơ chế thần kinh, tác dụng thông kinh hoạt huyết cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện tuần hoàn máu nên rễ nhàu vẫn đang là một vị thuốc Nam thông dụng, được dùng phối hợp với những vị thuốc khác để chữa trị các chứng tăng huyết áp do bất kỳ nguyên nhân nào.
Cây và vị thuốc nhàu có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Một số những bài thuốc Nam sử dụng rễ nhàu:
Chữa nhức đầu kinh niên, đau nửa đầu: rễ nhàu 24g, muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm đồng tiện) 8g. Sắc uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp: rễ nhàu 24g, thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 8g, thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, gừng sống 3 lát. Sắc uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
Chữa đau lưng do thận suy, phong hàn thấp xâm nhiễm: rễ nhàu 12g, bù ngót 8g, tầm gửi cây dâu 8g, cối xay 08g, dây gùi 8g, rễ ngà voi 8g, ngó bần 08g, đậu săn 8g, ngũ trảo 12g. Sắc uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
Chữa nhức mỏi, tê bại do phong thấp: rễ nhàu 40g, nghệ xanh 20g, nghệ vàng 20g, trái ô môi 10g, thiên niên kiện 20g, vỏ quýt 20g, quế chi 20g, đỗ trọng 30g, vòi voi 40g, tầm gửi cây dâu 20g, rượu nếp 02 lít, đường cát trắng 500g. Ngâm tất cả thuốc vào 2 lít rượu nếp trong 7 ngày. Lọc kỹ, bỏ xác. Pha rượu đã lọc với 1 lít nước đường. Mỗi lần uống 30ml - 40ml. Ngày uống 2 lần.
Kiêng kỵ: Người thể tạng nhiệt, táo bón, áp huyết cao hoặc đang có các chứng viêm không nên dùng.
Trị tăng huyết áp: rễ nhàu rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô, thái nhỏ, hãm hoặc sắc 10 - 20g mỗi ngày; nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ cho kết quả tốt hơn. Có thể mỗi đợt kéo dài 2-3 tuần. Nghỉ một tuần, tùy theo mức độ huyết áp lúc đó, có thể dùng tiếp liệu trình sau. Khi huyết áp đã hạ, những lần sau có thể giảm liều xuống 10 - 12g hoặc 8 -10g.
Trị đau nhức lưng xương, đau dây thần kinh ngoại biên: đem rễ nhàu sấy khô, tán bột thô, ngâm rượu.
Cứ 100g rễ nhàu ngâm trong 1 lít rượu 35 độ, sau 3 - 4 tuần có thể chiết lấy dịch ngâm. Tiếp tục thêm 0,5 lít rượu nữa, ngâm tiếp trong 2 - 3 tuần. Chiết lấy dịch ngâm. Trộn đều dịch ngâm của 2 lần. Để lắng, lọc bỏ cặn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20-30ml trước bữa ăn.
Trị táo bón, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh: Dùng quả nhàu chín ăn với muối, mỗi lần 3-5 quả.
Trị kiết lỵ: quả nhàu đã già 3 - 5 trái, nướng chín ăn hoặc lấy 10 - 12g lá nhàu sắc uống. Cũng có thể phối hợp với 10g cỏ sữa để tăng thêm hiệu quả điều trị.
Trị tụ huyết bầm tím do chấn thương té ngã: quả nhàu non 12g (khoảng 3 quả), chế biến như ở trên. Hoặc rễ mía dò 10g, củ tầm sét (củ bìm bìm xẻ), 10g. Tất cả phơi khô, tán bột thô, hãm hoặc sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn. Có thể uống 5 - 10 thang liền cho hết các triệu chứng.