Cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cứu cụ ông 96 tuổi mắc nhiều bệnh phức tạp

03-10-2019 13:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa tiến hành đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng cứu sống cụ ông 96 tuổi có nhịp tim chậm cùng nhiều bệnh lý phức tạp dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103.

Bệnh nhân là cụ Nguyễn Văn L., (96 tuổi trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Theo lời kể của người bệnh, bệnh nhân thường xuyên thấy tức ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt và được gia đình cho vào khoa Nội Tim mạch - Lão học, BVĐK Hà Đông.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết các bác sĩ nhận thấy nhịp tim của người bệnh rất chậm, chỉ có 39 lần/phút (so với người bình thường là từ 60 đến 90 lần/phút).

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị Block nhĩ thất độ III, nhịp tim chậm trên nền người bệnh có rất nhiều bệnh lý phức tạp: tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng trên máy C-Arm.

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị - Phụ trách khoa Nội Tim mạch - Lão học của bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân L. cho biết, với thể trạng người bệnh già yếu (96 tuổi) cùng tiền sử rất nhiều bệnh lý phối hợp việc tiến hành can thiệp cho người bệnh là rất khó khăn. Bởi lẽ, trong quá trình can thiệp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro như rối loạn nhịp tim, ngừng tim, người bệnh có thể tử vong ngay trong quá trình can thiệp.

"Tuy nhiên, nếu không được tiến hành can thiệp thì tình trạng tức ngực khó thở, choáng ngất của người bệnh sẽ ngày càng tăng và người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào"- BS. Nghị cho hay.

Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Theo BS. Nghị, Block nhĩ thất độ III có thể điều trị bằng cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Việc điều trị cũng bao gồm sử dụng thuốc kiểm soát huyết áp và rung nhĩ cũng như thay đổi lối sống và chế độ ăn để làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bằng việc làm chủ kĩ thuật can thiệp tim mạch, sau hơn 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng thành công cho người bệnh. Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, nhịp tim đều 65 lần/ phút, người bệnh hoạt động, sinh hoạt bình thường, không còn tình trạng tức ngực, đau đầu. Dự kiến sẽ ra viện sau 2-3 ngày tới.

Dưới dự hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật của Khoa Can thiệp tim mạch, BV Quân y 103, kĩ thuật can thiệp đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng đã được chuyển giao, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch - Lão khoa, BVĐK Hà Đông đã tiến hành được thường quy và cứu sống nhiều người bệnh, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên.

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị khuyến cáo, trong xu hướng các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng, nên chú trọng các giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong đó, lưu ý đến 3 yếu tố về lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc. Đồng thời, thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, giảm cân nặng.
Rối loạn nhịp thường gặp ở người trên 60 tuổi, nữ nhiều hơn nam, ở độ tuổi tương đối cao. Bệnh xảy ra theo cơ chế tim có nút phát nhịp và hệ thống dẫn truyền suy giảm chức năng, thoái hóa theo thời gian, cùng các bệnh lý mãn tính kèm theo như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp và nhiều rối loạn khác.
Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình của rối loạn nhịp chậm như chóng mặt, xây xẩm, ngất thường xuyên hoặc nặng hơn là bệnh nhân có thể ngưng tim, nhồi máu não, bắt buộc phải đặt máy tạo nhịp. Bệnh nhân có cơn nhịp chậm dễ gây xoắn đỉnh, khởi phát các cơn tim nhanh gây đột tử. Tuy nhiên, một số trường hợp lại không có dấu hiệu bệnh, chỉ tình cờ được phát hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Nhờ hỗ trợ của máy tạo nhịp tim, đảm bảo tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 lần/phút, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, giảm các nguy cơ tim mạch như ngưng tim hay nhồi máu não.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn