Cây lược vàng có phải là “thần dược”?

28-10-2008 10:20 | Y học cổ truyền
google news

Thời gian vừa qua, tại một số nơi, nhiều gia đình đã mua và trồng một loại cây có tên là cây lược vàng, với mục đích chính dùng làm thuốc chữa bệnh,

Bài 2: Thực hư về tác dụng chữa bệnh của Cây lược vàng

Thời gian vừa qua, tại một số nơi, nhiều gia đình đã mua và trồng một loại cây có tên là cây lược vàng, với mục đích chính dùng làm thuốc chữa bệnh, với những thông tin lan truyền về tác dụng chữa bách bệnh của nó, đã có hiện tượng “nhiễu thông tin” về chức năng và hiệu quả của cây lược vàng. Thậm chí đó có người còn gọi nó là “thần dược”.

 Tược non của cây lược vàng.

Hiện nay, đối với những ai làm trong ngành y và có quan tâm đến câu chuyện cây lược vàng, vấn đề trở nên khó khăn hơn vì hầu như không có một thông tin khoa học đáng tin cậy nào về cây lược vàng được công bố trên y văn. Trong các tập san trong nước của các giáo sư đầu ngành về cây thuốc Việt Nam, như GS. Đỗ Tất Lợi, GS. Vũ Văn Chuyên... và trong các tài liệu khoa học quốc tế cũng chưa công bố thông tin về tác dụng làm thuốc của cây lược vàng. Do đó không thể nói nó là cây thuốc và hiệu quả của thuốc ra sao? (ngoại trừ phiếu giám định tên khoa học của cây lược vàng do TS. Trần Văn Ơn - Bộ môn thực vật Trường đại học Dược Hà Nội giám định ngày 4/4/2008).

Trong quá trình nghiên cứu về thuốc, qua y văn quốc tế chúng ta nhận thấy rằng phần lớn nghiên cứu về thuốc (điều trị hay hỗ trợ) đều được tiến hành trên hàng ngàn bệnh nhân với thời gian theo dõi tối thiểu là 1 năm (nhưng đại đa số là 3 năm) mới cho kết quả. Bất cứ nghiên cứu nào được tiến hành trên một số lượng nhỏ bệnh nhân mà kết quả biết trước là không có giá trị vì vậy đứng trên quan điểm khoa học không thể dựa vào một số trường hợp đơn lẻ để thẩm định hiệu quả của thuốc. Trong thực tế không ai biết có bao nhiêu trường hợp sử dụng thuốc mà không hiệu quả. Ngoài ra cần phải nói thêm rằng có một số trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh là do sự dao động sinh học của tế bào, chứ không phải do dùng thuốc. Chỉ khi nào có nhiều nghiên cứu có phương pháp và hệ thống thì bằng chứng về hiệu quả của thuốc mới có thể đánh giá khách quan được.

Cần nói thêm rằng trong hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc, thông thường một loại thuốc đến tay người tiêu dùng hay bệnh nhân phải trải qua một thời gian khá dài với nhiều giai đoạn nghiên cứu. Những bước đầu tiên trong việc phát triển thuốc diễn ra ở phòng thí nghiệm, nơi mà các nghiên cứu cơ bản về ảnh hưởng của thuốc có thể theo dõi trên tế bào. Thông thường trên thế giới cứ phát hiện ra 5.000 hóa chất có tác dụng trên tế bào thì mới tìm được một hóa chất sử dụng làm thuốc. Nếu một hợp chất hay thuốc có khi đã có tác dụng trên tế bào, bước kế tiếp là thử nghiệm trên động vật như chuột. Nếu kết quả thử nghiệm trên động vật có triển vọng và không có phản ứng phụ đáng kể, thuốc có thể được thử nghiệm ở con người. Thử nghiệm thuốc ở người là giai đoạn cuối trong quy trình phát triển của thuốc. Một thuốc chỉ có thể tiến đến giai đoạn này nếu nó được chứng minh là có hiệu quả tích cực hay triển vọng qua thử nghiệm trên động vật và không những phản ứng xấu đến sức khỏe con người. Cho đến nay, không có một thông tin nào về nghiên cứu cơ bản liên quan đến tác động làm thuốc của cây lược vàng công bố. Ngay cả những kết quả mà mọi người thu nhận được từ các tờ rơi cũng chưa thấy xuất hiện một tập san khoa học đáng tin cậy nào.

Trong bối cảnh như thế, cộng đồng đã lan truyền hiệu quả chữa bệnh của cây lược vàng, việc làm này không nhất quán với quy ước Ingelfinger (tức là nhà khoa học chỉ phát biểu về kết quả khi nào một tập san khoa học đã công bố kết quả đó), mà giới khoa học quốc tế vẫn xem là kim chỉ nam cho hoạt động khoa học và tương tác với truyền thông.

Khách quan mà nói vẫn chưa có bằng chứng khoa học để bác bỏ tác dụng làm thuốc của cây lược vàng. Do đó có lẽ ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiến hành một số nghiên cứu độc lập để đánh giá hiệu quả, an toàn và tác dụng làm thuốc nếu có của nó.

Cây lược vàng có thể là một dược liệu quý nhưng cũng có thể chỉ là cây thuốc dân gian. Trong khi chờ đợi kết luận thông qua các bằng chứng khoa học, việc sử dụng cây lược vàng theo kinh nghiệm cần phải cẩn trọng, tránh tạo ra một dư luận thái quá về cây lược vàng.

BSCKII. Nguyễn Ngọc Thành(Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa)


Ý kiến của bạn