- Tôi đố bác con đường gọi là gì? - Hai Phiếm hỏi.
- Cây khế!
- Thế cây cầu và những công trình xây dựng?
- Cây khế!
- Người ta hỏi nghiêm túc mà bác lại cứ đùa! - Hai Phiếm nhăn mặt.
Nghĩ tôi cả cười và đố lại:
- Thế tôi đố bác tại sao có lời bài hát so sánh “Quê hương là chùm khế ngọt” mà không so với những thứ khác?
- Để tôi tìm ông nhà thơ tác giả của lời bài hát này!
- Thế thì đố làm gì!
Hai Phiếm cáu:
- Bác giỏi thì bác giải đi!
- Ông nhà thơ phản ánh rất chi là hiện thực cho nên mới có thêm câu “Cho ta trèo hái mỗi ngày”. Ta đây tức là bên A, bên B đấy!
- Không lẽ ông nhà thơ có sự đồng lõa của nhạc sĩ xui cán bộ tham nhũng?
- Nhà thơ và nhạc sĩ ai làm chuyện đó. Chỉ vì bài hát hay quá và lũ tham nhũng vận dụng sai thôi!
- Vận dụng làm sao?
- Vận dụng từ truyện cổ tích Cây khế! Quê hương là chùm khế nên cứ vặt một quả ném cho kẻ khác là được cục vàng. Khối anh vặt. Hai bên A và B cùng vặt. Vặt đến mức Nghị quyết TW 4 phải báo động.
- Thế thì bảo họ đọc lại truyện Cây khế đi. Túi 9 gang còn lộn cổ xuống biển!
- Nhưng họ tin ở khúc đầu còn đoạn sau lại bảo là cổ tích!
- !!!???
Cả Nghĩ