Ngay từ thời xa xưa trong dân gian đã có câu ca dao ví von về tác dụng trị bệnh của cây ích mẫu đối với phụ nữ: “Nhân trần, ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ đớn đau thế này!”. Ngay cái tên “ích mẫu” là đã gợi lên sự có ích cho phụ nữ rồi.
Ích mẫu còn có tên gọi khác là ích minh, cây sung úy, làm ngài, xác điến, cây chói đèn (Tày), chạ linh lo (Thái). Tên khoa học là Leonurus heterophyllus, họ Lamiaceae, là loại cây mọc hoang hoặc được trồng ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới. Là loại cây giàu dược tính nên đã dùng làm thuốc và ghi đầu tiên trong sách “Bản kinh”.
Ở nước ta ích mẫu mọc hoang và trồng khắp các địa phương ở ven sông, ven suối, ven đường, các bãi và ruộng hoang nơi có đất nhẹ đủ ẩm. Là loại cỏ sống 1 - 2 năm, cao 0,6 - 1m. Thân hình vuông, ích phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hay đầu cành mà có hình dạng khác nhau. Lá ở gốc, có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu, lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thưa, lá trên cùng phần lớn không chia thùy và hầu như không cuống. Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau. Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây thường gọi là ích mẫu thảo; quả thường gọi là sung uý tử. Sau khi trồng được 3 - 4 tháng, khi cây bắt đầu ra hoa mới cắt để lại các chồi gốc cho cây tiếp tục phát triển. Thu hoạch cây vào lúc trời nắng, rửa sạch, dùng tươi, hay phơi trong râm để héo đem nấu cao, hoặc phơi khô để dùng dần. Ngoài cây ích mẫu mô tả trên, cần chú ý phát hiện và phân biệt cây ích mẫu Leonurus sibiricus L. (tạm gọi là cây ích mẫu hoa to) vì cây này khác cây ích mẫu nói trên ở hoa to hơn, dài hơn, lá phía trên vẫn chia 3 thùy. Sự khác nhau giữa 2 cây là lá trên cùng không chia thùy, tràng hoa dài 9 - 12mm, môi trên, môi dưới gần bằng nhau... Leonurus heterophyllus lá trên cùng xẻ 3 thùy, tràng hoa dài 15 - 20mm, môi dưới ngắn hơn môi trên...
Thành phần hóa học: toàn cây ích mẫu chứa leonurin, atachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt Nam chứa 3 alcaloid (trong đó có alcaloid có N bậc 4), 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin. Y học nhận thấy các hoạt chất của ích mẫu có tác dụng trên tử cung, huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh, kháng sinh đối với một số vi trùng; ngoài ra có tác dụng đối với viêm thận và phù thũng cấp.
Đông y cho rằng, ích mẫu có vị cay đắng, tính mát, đi vào kinh can và tâm bào nên có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, sinh tân (thải huyết ứ, sinh huyết mới), tiêu thủy nên còn là thuốc có tác dụng trị nhiều bệnh cho chị em như điều kinh tiêu thủy, chữa kinh nguyệt không đều (rối loạn kinh nguyệt), đau bụng kinh, kinh nguyệt ra nhiều, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, làm an thai, giảm đau, làm dễ đẻ, thống kinh, bế kinh, phù nề cổ trướng... Hạt dùng vào thuốc phụ khoa, làm cho dạ con mau co lại, co tử cung, làm thuốc lợi tiểu. Hạt ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ can thận, ích tinh sáng mắt, bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh. Mỗi ngày dùng 6 - 12g thân lá hoặc hạt sắc uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc sắc lấy nước rửa chữa bệnh sưng vú, chốc đầu, lở ngứa... Tuy nhiên, nếu dùng ích mẫu quá liều có thể gây sảy thai.
Cách dùng là hằng ngày dùng 10 - 30g bằng cách nấu, sắc, hãm. Cụ thể liều dùng 9 - 30g cây (thân lá) hoặc dùng 4,5 - 9g hạt, sắc nước uống. Cũng có thể dùng cây nấu cao. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu, hương phụ, nghệ đen. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đặp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.
Chú ý: không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ, đồng tử giãn. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.
Bài thuốc dùng ích mẫu
Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh.
Viêm thận cấp và phù thũng: ích mẫu tươi 180 - 240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân: dùng ích mẫu 20g, ngưu tất, rau dừa nước mỗi vị 15g sắc uống.
Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ: ích mẫu 30 - 60g, nấu với trứng gà hay thịt gà, ăn bình thường.
Thuốc bổ huyết điều kinh: ích mẫu 80g, nghệ đen (nga truật) 60g, ngải cứu 40g, hương phụ 40g, hương nhu 30g. Tất cả sao vàng tán bột mịn, luyện với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.
Hạt ích mẫu (sung úy tử): chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.
Một số món ăn thuốc trị bệnh từ ích mẫu
Trị rối loạn kinh nguyệt: canh trứng gà ích mẫu rất tốt cho chị em kinh nguyệt không đều.
Trị các trường hợp bế kinh, mất kinh, dùng món “Đậu đen hầm ích mẫu thảo”: ích mẫu thảo 30g (gói trong vải xô), đậu đen 30g, đường đỏ 30g. Nấu đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã thuốc, thêm 30ml rượu khuấy đều cho uống.
Trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, dùng “Canh trứng gà ích mẫu”: ích mẫu thảo 50g, hồng hoa 10g, sài hồ 10g, trứng gà 2 quả. Tất cả cùng đem nấu, khi trứng chín, đập bỏ vỏ trứng, đặt tiếp 2 cái trứng chín vào nồi nấu tiếp; vớt bỏ bã thuốc, cho thêm ít đường và gia vị, ăn trứng và uống nước canh, chia ăn sáng và tối.
Trị bế kinh, tắt kinh sớm do huyết hư suy nhược cơ thể, dùng “Chè ích mẫu đại táo: ích mẫu thảo 30g, đại táo 30 quả, gừng tươi 20g, đường 60g. Tất cả cùng đem nấu nước cho uống thay nước chè. Ngày sắc 1 lần, cho uống trong ngày. Uống vào trước kỳ kinh 5 - 10 ngày liền.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI