Hà Nội

Cây huyết dụ

09-04-2009 06:10 | Y học cổ truyền
google news

Cây huyết dụ có hai loại: loại có lá đỏ cả hai mặt và loại có lá một mặt đỏ một mặt xanh.

 Cây huyết dụ.
Cây huyết dụ có hai loại: loại có lá đỏ cả hai mặt và loại có lá một mặt đỏ một mặt xanh. Cả hai loại đều dùng làm thuốc nhưng loại lá hai mặt đỏ tốt hơn. Cây thường được trồng làm cảnh, thân to bằng ngón tay, cao 1-2m. Toàn thân mang nhiều vết sẹo của các lá đã rụng, chỉ có lá ở ngọn. Lá không có cuống, hẹp, dài khoảng 30cm. Hoa mọc thành chùy dài. Quả mọng chứa 1-2 hạt.

Theo y học cổ truyền, huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng cầm máu, bổ huyết, tiêu ứ, dùng chữa rong kinh, chữa lỵ, xích bạch đới, phong thấp nhức xương...

Một số đơn thuốc có sử dụng huyết dụ:

- Chữa chảy máu cam và chảy máu dưới da: Lá huyết dụ tươi 30g, lá trắc bá (sao cháy) và cỏ nhọ nồi mỗi vị 20g, sắc uống đến khi khỏi.

- Chữa rong kinh: Lá huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa bị thương ứ máu hay phong thấp đau nhức: Dùng huyết dụ cả lá, hoa, rễ 30g, huyết giác 15g, sắc uống đến khi khỏi.

- Chữa kiết lỵ ra máu: Lá huyết dụ 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 ngày. Nếu bệnh không giảm thì nên đến cơ sở y tế khám xác định nguyên nhân để điều trị.

Lưu ý: Phụ nữ không nên dùng trước khi sinh con hoặc sau khi sinh xong mà bị sót nhau.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga


Ý kiến của bạn