Cây hồi phủ xanh đồi núi giúp người dân Trùng Khánh thoát nghèo

30-10-2023 20:06 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Trước kia, cây hồi chỉ sinh sôi tự nhiên, ít được người dân quan tâm, thế nhưng hiện nay cây sồi đã phủ xanh đồi trọc trở thành cây dược liệu giúp bà con thoát nghèo ở Cao Bằng.

Từ những năm 1990, cây hồi đã quen thuộc với người dân tộc ở Cao Bằng thông qua các dự án trồng rừng PAM, chương trình 30a, 135… Xã Cao Chương (thuộc huyện Trà Lĩnh Cũ nay là huyện Trùng Khánh) là một trong những địa phương trồng hồi lâu đời và lớn nhất ở tỉnh Cao Bằng. Nơi đây chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Nùng sinh sống.

Trước đây, người dân chưa biết cách trồng hồi theo đúng quy trình, nhiều nơi mật độ dày, nơi lại quá thưa. Hơn nữa, trước đây cây hồi chưa đem lại giá trị cao về kinh tế nên người dân chỉ trồng hồi như một cách phủ xanh đất trồng đồi trọc, cũng không chăm sóc.

Cây hồi phủ xanh đồi núi giúp người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác đúng quy trình, cây hồi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Chủ tịch UBNX xã Cao Chương, ông Thang Văn An cho biết: "Hồi là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương hơn nữa lại mang đến hiệu quả kinh tế cao từ khi người dân biết cách chăm sóc và khai thác đúng quy trình. Từ đó, hồi được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế của xã và trở thành loại dược liệu mũi nhọn để phát triển kinh tế".

Nhờ các dự án, chương trình, cán bộ xã đã vận động người dân đầu tư cây giống, trồng và chăm sóc cây hồi đúng quy trình, mở rộng diện tích trồng hồi. Cho đến nay, hầu hết người dân trong xã đều đã có diện tích trồng hồi giúp ổn định thu nhập. Một số thôn trong xã có diện tích trồng hồi lớn như Tân Lập, Sơn Lộ, Bản Pát, Đoỏng Giài… Tổng diện tích hồi của toàn xã lên tới 600h trong đó có tới gần 500ha đang cho thu hoạch với năng suất trung bình 3-4tấn/ha và từ 1.300-1.500 tấn hồi tươi. Hằng năm, toàn xã thu nhập trung bình đạt 30-40 tỷ đồng.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh chia sẻ: "Hồi là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Trùng Khánh. Trước kia, người dân chỉ xem hồi như cây rừng, vài năm gần đây, khi giá hoa hồi tăng cao và ổn định, người dân đã chủ động đầu tư công chăm sóc, bón phân để cây phát triển tốt từ khi trồng đến khi cho thu hoạch.

Việc trồng hồi khá đơn giản, người dân chỉ cần bỏ công chăm sóc, bảo vệ khi cây còn nhỏ. Tới lúc cây phát triển cao hơn 1m thì không cần quá nhiều công sức hay phòng sâu bệnh như các loại dược liệu khác. Hơn nữa hồi là loại dược liệu cho thu nhập kinh tế tương đối ổn định, lâu dài, mỗi năm loài cây này ra hoa 2 lần liên tiếp.

Cây hồi phủ xanh đồi núi giúp người dân thoát nghèo - Ảnh 2.

Trùng Khánh được biết đến là nơi có diện tích trồng hồi lớn và lâu năm của tỉnh Cao Bằng.

Sau khi thu hoạch, bà con thường đem sản phẩm tươi bán cho các thương lái ở thành phố Cao Bằng hoặc Lạng Sơn. Các thương lái thường thu mua, vận chuyển hồi sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, rất nhiều hộ dân, HTX đã đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm như chiết xuất tinh dầu từ lá hồi, sản phẩm tinh dầu hồi.

Ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng chia sẻ: Thổ nhưỡng của Cao Bằng rất phù hợp với cây hồi. Những năm tới, cây hồi vẫn là một trong những cây lâm nghiệp đa tác dụng, chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Có thể thấy, cây hồi mang lại rất nhiều giá trị về kinh tế. Các sản phẩm từ cây hồi nếu qua chế biến sẽ cao hơn hẳn về giá bán. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân, HTX còn tham gia nuôi trồng và chế biến nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn