1. Ăn hoa chuông xào trứng bị ngộ độc nặng phải nhập viện cấp cứu
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, ngày 8/8, bệnh viện đã cấp cứu cho 8 bệnh nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. 8 người này sau khi lao động và làm việc ở xã Chí Cà, huyện Xín Mần đã cùng nhau ăn cơm, uống rượu. Trong bữa cơm có món hoa chuông xào trứng gà.
Theo lời kể của người nhà, sau khi ăn cơm khoảng nửa tiếng, tất cả 8 người có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn… và được đưa đến BVĐK huyện Xín Mần cấp cứu. Khi nhập viện, có 4 bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn như: mạch đập nhanh, thở gấp, đau ngực, ý thức lơ mơ, đồng tử giãn nhẹ...
Sau nhiều giờ điều trị tích cực, cả 8 bệnh nhân đã tạm thời ổn định, tỉnh táo, bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc theo dõi tại bệnh viện.
Trước đó, vào ngày 25/4/2023, cũng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tại thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh xảy ra vụ ngộ độc do ăn hoa chuông làm 4 người bị ngộ độc, may mắn không có người tử vong.
Ngày 31/3/2022, có 10 người tại thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phải nhập viện điều trị do ăn nhầm cây hoa chuông. Những người này sau khi ăn bữa tối với 5 món gồm: canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng, ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.
Sau ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ thì 10 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám và điều trị. Một số người bị nặng, có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái được đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa cấp cứu. May mắn sau khi điều trị 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.
Qua điều tra, người nấu bữa tối cho biết, do trời tối cộng với cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng cảy dẫn đến hái nhầm để nấu ăn gây ra vụ ngộ độc trên…
2. Độc tính của hoa chuông có thể gây ngộ độc chết người
Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine. Hoa chuông là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng, rủ xuống nhìn rất đẹp mắt nên được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh.
Ngoài ra hoa chuông cũng mọc dại tại nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc và Đà Lạt. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố có thể gây ngộ độc nặng cho người dùng.
Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…
Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ cảnh báo điều người dân cần làm để phòng tránh ngộ độc hoa chuông
Không chỉ có ngộ độc do ăn hoa chuông, trên địa bàn tỉnh Hà Giang và nhiều địa phương khác vẫn còn xảy ra tình trạng người dân ăn các loại cây, hoa quả rừng không rõ nguồn gốc dẫn đến bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong. Vì vậy, TTƯT. BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang khuyến cáo: "Người dân tuyệt đối không ăn các loài cây dại hay quả rừng khi không biết rõ về chúng.
Đối với hoa chuông, loài hoa này thường được dùng để làm cảnh và còn được trồng làm thuốc. Tuy nhiên, do có chứa độc tính nên để phòng tránh ngộ độc, người dân tuyệt đối không dùng bất kỳ bộ phận nào của cây hoa chuông để làm thực phẩm và không tự ý sử dụng các bộ phận của hoa chuông để chữa bệnh khi không có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.
Nên nhắc nhở người trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ không tiếp xúc với hoa chuông hay tò mò ăn thử. Trong trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm phải hoa chuông có dấu hiệu ngộ độc, đối với nạn nhân là người lớn còn tỉnh táo cần dùng các biện pháp sơ cứu gây nôn tại chỗ, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng" - BS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm
WHO cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum