Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng mãn tính, một trong những tình trạng y tế phổ biến nhất trên thế giới, xảy ra khi các đĩa đệm của cột sống bắt đầu mòn đi.
Thoát vị đĩa đệm hiện được điều trị bằng vật lý trị liệu, thuốc chống viêm, tiêm corticosteroid hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị này đối với chứng đau thắt lưng mãn tính do bệnh thoái hóa đĩa đệm thường không hiệu quả hoặc tác dụng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Phương pháp điều trị mới được phát triển bởi TS. Douglas Beall, Trưởng khoa X-quang, Viện Y tế Oklahoma là tiêm các tế bào chuyên biệt được gọi là cấy ghép tế bào gốc đồng loại (allograft) vào đĩa đệm bị tổn thương của bệnh nhân.
Thử nghiệm kéo dài 3 năm, các tế bào cấy ghép được tiêm vào các tế bào trong đĩa đệm bị tổn thương. Mức độ đau được đánh giá bằng cách sử dụng thang đo chỉ số khuyết tật Oswestry (ODI).
Kết quả cho thấy, 60% bệnh nhân cho biết tình trạng đã cải thiện hơn 50% và 70% bệnh nhân ghi nhận sự thay đổi hơn 20 điểm trong điểm số ODI của họ, chuyển từ tình trạng khuyết tật nghiêm trọng hoặc trung bình sang nhẹ hoặc cải thiện hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc sử dụng cấy ghép tế bào gốc đồng loại, thậm chí có thể giúp giảm việc lệ thuộc vào thuốc giảm đau opioid ở những bệnh nhân bị đau thắt lưng mãn tính. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân trẻ tuổi.
TS. Beall cho biết: Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cải thiện đáng kể về cơn đau và chức năng cho những bệnh nhân bị đau thắt lưng mãn tính do thoát vị đĩa đệm, tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến 40% dân số trên 40 tuổi.
Mặc dù phương pháp tiêm nhắm mục tiêu đã được phát triển trong nhiều năm, nhưng nghiên cứu kéo dài 36 tháng này cũng cho thấy liệu pháp này cải thiện khả năng vận động bền vững và giảm đau vì quy trình xâm lấn là tối thiểu.
Theo TS. Beall, chúng ta cần các phương pháp điều trị tốt hơn cho cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm và điều trị cấy ghép đồng loại có thể là lựa chọn cho nhiều người, giúp bệnh nhân trở lại mức hoạt động bình thường trong một thời gian dài hơn.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Phụ nữ mang thai có nên tập thể dục không?