Hà Nội

Cấy ghép “tai nghe sinh học”: Cuộc cách mạng cho người khiếm thính?

15-11-2017 11:45 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đối với người khiếm thính, thế giới trở nên tĩnh lặng, mọi giao tiếp thường ngày trở nên khó khăn khiến khả năng hòa nhập xã hội rất hạn chế.

Với nhiều nỗ lực của các nhà khoa học, dịch vụ y tế quốc gia của Anh (NHS) đã đưa ra một giải pháp mới mang tính cách mạng dành cho người điếc khi áp dụng thành công “tai nghe sinh học” giúp người bệnh có thể nghe âm thanh suốt 24 giờ mỗi ngày.

Cuộc sống thay đổi khi được cấy ghép“tai nghe sinh học”

Linda Oxley (67 tuổi) là một trong những người đầu tiên ở Anh được cấy ghép “tai nghe sinh học” (bionic ear) cho biết, bà bị mất thính lực tai trái năm 6 tuổi trong một vụ tai nạn và chỉ nghe được âm thanh từ tai phải. Tuy nhiên, cùng với sự lão hóa của cơ thể, tai phải của bà cũng dần giảm chức năng, bà không thể nghe thấy tiếng ồn xung quanh khi lái xe và điều này cũng bắt đầu ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng cơ thể (ngoài chức năng nghe, tai còn giúp cơ thể giữ thăng bằng). Khi nhận thấy đây thực sự trở thành vấn đề nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, bà đã được hỗ trợ nghe bằng máy trợ thính nhưng không thành công. Sau đó, Linda quyết định thực hiện cấy ghép tai nghe sinh học với các thiết bị hỗ trợ nghe hoàn toàn nằm bên trong da. Đây là một phương pháp mới dành cho người khiếm thính, có thể giúp họ nghe được âm thanh mọi nơi, mọi lúc. Ngay sau khi được cấy ghép, bà đã có thể nói chuyện với mọi người và nghe thấy bất kỳ âm thanh nào ở bên ngoài như tiếng huýt sáo, chó sủa…

Việc mất thính lực ảnh hưởng đến khoảng 11 triệu người ở Anh, 21,9 triệu người ở Mỹ. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều, có thể do tuổi tác (vì càng già thì tính đàn hồi và linh hoạt của các tế bào lông chuyển ở tai trong càng kém), do tiếng ồn, rách, thủng màng nhĩ (do viêm nhiễm, do chấn thương, u bướu, dị tật tai, chấn thương, do một số bệnh truyền nhiễm (sởi, quai bị, viêm màng não…), do thuốc điều trị hay do di truyền…

Hình ảnh “tai nghe sinh học” được cấy ghép bên trong da và tai.

Hình ảnh “tai nghe sinh học” được cấy ghép bên trong da và tai.

Lợi thế của “tai nghe sinh học” là gì?

Cho đến nay, có nhiều biện pháp điều trị đối với mất thính lực, chủ yếu dựa vào nguyên nhân, có thể là dùng thuốc uống, thuốc tiêm truyền, nằm buồng oxy cao áp, phẫu thuật hoặc có thể chỉ đơn giản là thay đổi lối sống hoặc ngưng sử dụng một loại thuốc nào đó... Sử dụng máy trợ thính là một trong những biện pháp hiệu quả cho các trường hợp điếc do tuổi già. Tuy nhiên, khi dùng máy trợ thính hay các biện pháp khác như cấy ốc tai điện tử thì đều có những trở ngại nhất định trong một số hoạt động như tắm vòi sen, bơi lội… vì nước có thể làm hỏng thiết bị điện tử khi các phương pháp này đều có dụng cụ thu âm gắn bên ngoài da. Bên cạnh đó, nếu dùng máy trợ thính, người bệnh còn thường phải tháo ra khi ngủ khiến họ không cảm thấy thoải mái do lại trở thành người khiếm thính và không nghe được âm thanh vào ban đêm. Nhưng với tai nghe sinh học, người bệnh được cấy ghép thiết bị hoàn toàn dưới da nên không phải tháo rời khi ngủ, không gây trở ngại với các hoạt động phải tiếp xúc với nước hay có thể điều chỉnh âm thanh từ bên ngoài… và người xung quanh không phát hiện khuyết tật.

“Tai nghe sinh học” có nhược điểm không?

“Tai nghe sinh học” được tạo thành từ 3 phần bao gồm một bộ phận nhận âm thanh bên ngoài qua da, một microphone xử lý biến âm thanh thành tín hiệu điện và một động cơ nhỏ thực hiện nhiệm vụ biến đổi các tín hiệu điện thành những rung động cơ học. Khi hoạt động, những rung động cơ học này tác động vào xương búa, xương đe là những xương nhỏ ở tai giữa nhằm khuếch đại âm thanh tạo thành các sóng âm lan truyền vào ốc tai của tai trong giúp truyền tín hiệu lên não, giúp người bệnh nghe được. Để thực hiện phương pháp này, người bệnh phải phẫu thuật trong khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Trước tiên, các bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ngay sau thùy tai để chèn microphone và bộ vi xử lý vào giữa da và xương. Tiếp đó, động cơ nhỏ được đặt bên trong tai giữa sao cho một đầu tiếp xúc trực tiếp với xương nhỏ (đầu kia được nối với microphone và bộ vi xử lý). Sau phẫu thuật 6-8 tuần, máy trợ thính được khởi động với sự trợ giúp bằng bộ điều khiển từ xa. Đây là thiết bị giúp sạc pin cho thiết bị được cấy ghép bên trong da và điều chỉnh âm lượng.

Mặc dù đây là thiết bị được cho là khá tốt hiện nay nhưng nó vẫn có những nhược điểm nhất định như giá thành còn rất cao, khi phẫu thuật có thể xảy ra một số nguy cơ như nhiễm trùng, chảy máu…, mới được thực hiện ở các trường hợp bị suy giảm sức nghe do tuổi già (còn gọi là lão thính). Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, để khẳng định biện pháp này thực sự là cuộc cách mạng làm thay đổi cuộc sống của những người mất hoặc suy giảm thính lực như NHS đánh giá thì cần tiến hành thêm nghiên cứu cụ thể, sát thực và đăng tải trên các tạp chí khoa học.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn