(SKDS) - Implant nha khoa hiện đại là những trụ titanium đã được xử lý bề mặt cho thô ráp rồi cấy vào xương hàm của bệnh nhân mất răng. Những trụ này sau một thời gian sẽ được tích hợp xương, đây là một hiện tượng rất đặc biệt khi các tế bào xương bám trực tiếp lên bề mặt titanium và những trụ này sẽ được sử dụng để gắn các răng giả cố định thay thế những răng đã mất hay làm trụ để nâng đỡ hàm giả tháo lắp cho bệnh nhân mất răng toàn hàm.
Kỹ thuật cấy ghép implant nha khoa là phương pháp cấy những trụ titanium được xử lý bề mặt và có thiết kế hình dạng tương tự như chân răng tự nhiên vào xương hàm. Sau khi xương hàm tích hợp với bề mặt của implant thành một khối vững chắc thì bác sĩ sẽ lắp răng giả lên trên để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mĩ.
Từ các thông tin trên, tùy theo tình trạng giải phẫu xương hàm, mô mềm (tổ chức lợi vùng mất răng), bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép cho bệnh nhân theo một trong những cách thức dưới đây :
Cấy ghép trụ implant và làm răng giả tạm thời ngay trong cùng một thời điểm nếu xương và mô mềm đảm bảo chất lượng và khối lượng.
Cấy trụ implant và ghép bù xương vào những vị trí thiếu xương như đáy xoang hoặc mặt ngoài…
Nhổ chân răng và cấy ghép trụ implant vào vị trí vừa nhổ răng.
Trường hợp thiếu quá nhiều xương thì bệnh nhân sẽ được ghép xương, mô mềm trước khi tiến hành cấy trụ implant.
Kỹ thuật này được tiến hành nhẹ nhàng giống như nhổ chiếc răng thông thường, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ và tiến hành cấy ghép trong thời gian 15 – 20 phút với những trường hợp đơn giản. Sau cấy ghép bệnh nhân có thể giao tiếp và ăn uống bình thường. Thông thường sau 3 - 6 tháng cấy trụ implant bác sĩ sẽ tiến hành các bước tiếp theo để lấy khuôn, làm răng giả và cuối cùng lắp răng cho bệnh nhân.
Răng được cấy ghép implant. |
Ưu điểm
Trong phục hình răng giả thì răng giả cố định có nhiều ưu điểm hơn so với răng giả tháo lắp, nó có thể khôi phục gần như hoàn toàn sức nhai cho bệnh nhân và mang lại cảm giác thoải mái tự nhiên như răng thật. Trước đây để làm răng giả cố định bệnh nhân cần phải có những răng thật khoẻ mạnh xung quanh răng mất và chúng sẽ được mài nhỏ sau đó làm chụp bọc lại để làm điểm tựa cho cầu răng thay thế răng đã mất. Phương pháp này có nhược điểm là phải mài bớt men răng thật của bệnh nhân và không thể thực hiện nếu bệnh nhân mất nhiều răng hay răng bị mất là răng cuối của cung hàm. Implant nha khoa là phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này.
Những ai có thể được cấy ghép
Tất cả những người mất một hay toàn bộ răng nếu muốn làm răng giả thay thế đều có thể sử dụng phương pháp cấy ghép implant nếu có đủ các điều kiện sau đây: Đã đến tuổi trưởng thành; Có sức khỏe ổn định, không bị mắc các bệnh hệ thống, bệnh tim mạch và đái tháo đường không kiểm soát được; Không mắc bệnh loãng xương, có khối u ác tính...; Có đủ khối lượng xương cần thiết.
Các điểm bất lợi của người cao tuổi khi cấy ghép
Thông thường không có chống chỉ định cấy ghép implant nếu chỉ căn cứ vào tuổi tác của bệnh nhân. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có những bệnh nhân ở lứa tuổi 90 mà vẫn được cấy ghép implant với kết quả tốt. Tuy nhiên khi con người có tuổi thì sức khỏe toàn thân cũng kém đi, tâm lý của bệnh nhân cảm thấy ngại ngùng khi phải chịu can thiệp phẫu thuật. Cùng với lứa tuổi số lượng răng mất cũng nhiều hơn và tương ứng là số implant cần phải cấy cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó qua thời gian khối lượng và chất lượng xương của bệnh nhân cũng giảm đi làm ảnh hưởng tới sự thành công của kỹ thuật.
Mặc dù có những hạn chế nhất định khi cấy ghép implant nha khoa cho những bệnh nhân cao tuổi nhưng nếu bác sỹ lựa chọn được những phương pháp điều trị thích hợp và kỹ thuật được tiến hành ở những cơ sở điều trị có uy tín thì những bệnh nhân cao tuổi vẫn có quyền hy vọng về một cuộc sống có chất lượng cao hơn và khi bệnh nhân có dinh dưỡng tốt nhờ hàm răng khỏe mạnh thì tuổi thọ của bệnh nhân cũng sẽ được nâng lên đáng kể.
Ghép xương nâng xoang hàm
Ngày nay, phương pháp cấy ghép implant đã được coi là một cách thức điều trị thường quy trong phục hình răng. Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công của cấy ghép implant là kích thước xương hàm bệnh nhân phải đầy theo 3 chiều trong không gian: chiều rộng (trong - ngoài), chiều cao (trên - dưới), chiều gần - xa.
Có hai phương pháp ghép xương nâng xoang hàm:
Nếu chiều cao từ đỉnh sống hàm đến sàn xoang dưới 5mm thì bác sĩ mở một cửa sổ xương ở thành bên xoang rồi ghép xương qua đường này. Sau 4-6 tháng sau khi xương mới đã hình thành thì tiến hành cấy implant (kỹ thuật nâng xoang hở).
Nếu chiều cao từ đỉnh sống hàm đến sàn xoang trên 5mm bác sĩ sẽ tiến hành ghép xương nâng sàn xoang qua vị trí mào sống hàm nơi sẽ cấy implant trong cùng một thì (kỹ thuật nâng xoang kín).
Vật liệu thường được sử dụng trong kỹ thuật này là xương và màng sinh học tổng hợp đóng sẵn trong các hộp vô trùng, không bị lây nhiễm, không bị hạn chế về số lượng, tuy nhiên giá thành khá cao hoặc có thể bác sĩ sẽ lấy một chút xương của chính bệnh nhân tại vùng miệng để trộn với xương nhân tạo kết quả sẽ tốt hơn.
Tại Việt Nam do điều kiện kinh tế, ý thức người bệnh... nên sau khi mất răng khá lâu bệnh nhân mới đến khám bệnh. Vì vậy, xương hàm thường bị tiêu nhiều gây tốn kém hơn về thời gian và tiền bạc. Thông thường sau khi mất răng 2-3 tháng là thời điểm tốt nhất để tiến hành cấy ghép implant. Trường hợp đặc biệt bác sĩ cũng có thể cấy implant ngay sau khi nhổ răng nếu có đầy đủ các điều kiện cần thiết.
TS.BS. Phạm Thanh Hà - ThS.BS. Ðàm Văn Việt