Cấy ghép điện cực ốc tai cho bé trai 22 tháng tuổi bị điếc sâu

18-04-2019 15:55 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ Khoa Tai- Mũi- Họng vừa cấy ghép thành công điện cực vào ốc tai bên phải nhằm phục hồi sức nghe cho bé trai 22 tháng tuổi.

Bệnh nhi là bé N.P.V.Đ, 22 tháng tuổi, quê Cà Mau. Theo lời kể của gia đình, vào tháng 11/2018, người thân phát hiện bé Đ. có biểu hiện chậm nói và khi để ý kỹ, cháu có biểu hiện kém đáp ứng với âm thanh.

Sau đó gia đình đưa bé đến Đơn vị thính học của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám. Tại đây, cháu Đ. được các bác sĩ lần lượt chỉ định tầm soát sức nghe, xác định ngưỡng nghe bằng các phương pháp tiên tiến như đo điện thính giác thân não (ABR), đo đáp ứng thính giác trong trạng thái ổn định (ASSR).

Nhận được kết quả bé  trai bị điếc sâu cả 2 tai mà gia đình bệnh nhi không khỏi bàng hoàng.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhi.

Bác sĩ cho biết, cấy ghép điện cực ốc tai là phương pháp hữu hiệu nhất có thể mang lại sức nghe trong giới hạn giao tiếp cho bé. Cha mẹ D. đã rất nỗ lực về mặt tài chính để tiến hành can thiệp với hy vọng cháu sẽ sớm có cơ hội đón nhận âm thanh, được phát triển ngôn ngữ và nhất là được hoà nhập vào cộng đồng.

Cấy ghép điện cực ốc tai là phương pháp can thiệp chuyên sâu, dùng điện cực đặt vào ốc tai cho trẻ thay thế phần tế bào lông bị khiếm khuyết.

Cuộc phẫu thuật diễn ra gần 150 phút trong sự hồi hộp, mong chờ của cha mẹ và sự tập trung của êkip phẫu thuật, cuối cùng ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Sau mổ, cháu phục hồi sức khỏe rất nhanh, vết mổ lành tốt, điện cực đúng vị trí, các nghiệm pháp kích thích đều cho kết quả khả quan.

Được biết, can thiệp cấy điện cực ốc tai cho các bé nghe kém là một kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, nghe kém là một dị tật bẩm sinh , các bé mắc bệnh còn có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề nội khoa khác như tim bẩm sinh, huyết học, tâm vận động và bất thường giải phẫu ốc tai, dây thần kinh mặt...

Theo BSCK2 Phạm Đoàn Tấn Tài, sau cấy ghép điện cực ốc tai, bé phải tham gia lớp huấn luyện ngôn ngữ từ 2-3 năm mới có thể giao tiếp thuận lợi. Các cháu sẽ được học âm ngữ trị liệu tại khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Hành trình tìm âm thanh cho các bé nghe kém bẩm sinh trước đây tương đối phức tạp; nhưng nay, đã nhẹ nhàng đôi phần với việc bệnh viện tạo điều kiện cho các cháu được thăm khám ưu tiên tại Bệnh viện từ tháng 03/2019. Trong quý II/2019, Bệnh viện sẽ tổ buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân nghe kém với mong muốn cung cấp thêm thông tin về chương trình tầm soát và can thiệp nghe kém tại bệnh viện.

Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ sinh ra bình thường có 1-3 bé bị điếc bẩm sinh. Trong đó, các trẻ có vấn đề về sức khỏe phải nằm trong các khoa chăm sóc đặc biệt thì tỷ lệ điếc cao gấp 10 lần. Thời điểm vàng để can thiệp vấn đề thính giác cho trẻ là 0-5 tuổi. Nếu qua mất giai đoạn này trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển ngôn ngữ.
Con người chỉ có một vài giai đoạn phát triển ngôn ngữ nhất định. 2-3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp nhanh nhất. Do đó, trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong giai đoạn này thì cơ hội nghe, nói và phát triển bình thường là rất cao. Ngược lại, nếu để muộn hơn, cơ hội này sẽ càng bị suy giảm.
Thông thường trẻ bị giảm thính lực do bệnh lý như viêm tai giữa hoặc khiếm thính do bẩm sinh, di chứng sau viêm não - màng não, tổn thương có tính chất vĩnh viễn, trẻ không thể hồi phục được thính lực và phải mang khuyết tật suốt đời.
Với những trường hợp này, khi phát hiện sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ đeo máy nghe, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử để có thể học nghe, học nói sớm và phát triển như bình thường.
Bệnh nhi càng lớn thì việc can thiệp càng trở nên khó khăn bởi trong não có một vùng thần kinh điều khiển việc nghe - nói. Nếu vùng đó không được kích thích trong 2-3 năm đầu đời sẽ bị thoái triển.
Quá thời gian trên dù có được kích thích âm thanh thì trẻ chỉ có thể nghe nhưng khả năng nói không phát triển.

Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn