Theo y học cổ truyền, cây gai kim vàng vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng tiêu thũng, giải độc, giảm đau. Người dân thường dùng để trị cảm cúm, ho, thổ huyết, băng huyết, đau nhức răng, tê dại, nhức mỏi, bong gân, sai khớp.
Cây gai kim vàng là cây bụi nhỏ. Cành nhánh vuông không có lông. Lá nguyên, không lông, lá kèm biến thành gai thẳng nhọn. Cụm hoa hình bông mọc ở ngọn, hoa màu vàng. Quả nang có hai hạt dẹt. Cây ra hoa vào mùa đông xuân.
Cây thường mọc hoang ở các tỉnh phía Nam nước ta, được nhiều nhà trồng làm cảnh, hoặc thành hàng rào vì có gai nhọn. Gần đây nhiều người đã trồng để lấy lá dùng để làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc là lá (ngoài ra có thể dùng rễ, hoa và thân cây). Chủ yếu dùng tươi hoặc có thể phơi, sấy khô dùng dần.
Một số bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa đau mình mẩy khi thay đổi thời tiết: Lấy cả thân, lá, rễ cây gai kim vàng sau khi rửa sạch, phơi khô, cho vào ấm pha nước sôi hãm uống trà hàng ngày, 1 tuần một liệu trình.
Bài 2: Giúp giảm sưng do côn trùng đốt: Lá gai kim vàng tươi 30g, rửa sạch, để ráo, giã nát, đắp vào nơi côn trùng, sâu bọ đốt. Ngày đắp 2 -3 lần. Thực hiện đến khi vết sưng giảm hẳn.
Bài 3: Trị lở mép: Lấy lá gai kim vàng, rửa sạch lá, nghiền nát, thêm chút muối rồi đắp vào chỗ tổn thương, không để mất nước dịch, dùng liền 5 ngày.
Bài 4: Trị mụn nhọt chưa mưng mủ: Lá gai kim vàng tươi 35g, giã nát đắp vào nơi có mụn nhọt. Ngày đắp 2 lần, thực hiện trong 3 ngày. Bài thuốc này đơn giản, giúp mụn nhọt giảm sưng đau nhanh chóng.
Bài 5: Cầm máu (vết thương nhỏ): Lấy lá gai kim vàng rửa sạch vò nát rồi đắp vào chỗ đau.
Bài 6: Trị viêm họng: Lấy lá gai kim vàng giã nát, lấy nước dịch, uống một chút để ngấm xuống cổ họng, dùng liền 5 ngày.
Bài 7: Giảm đau khi bị viêm lợi do sâu răng: Lá gai kim vàng 15g, rửa sạch, giã nát, cho thêm ít muối chắt lấy nước ngậm hàng ngày. Ngày ngậm 2-3 lần. Dùng trong 3 ngày. Ngoài ra, một số nơi bà con còn lấy lá gai kim vàng già, bắt đầu chuyển vàng, ngâm rượu uống hàng ngày, giúp giảm đau lưng.
Bác sĩ Hoàng Minh