Một số cách dùng cây dướng chữa bệnh
Bổ thận tráng dương: có thể ngâm rượu. Thường được phối hợp thêm các vị thuốc bổ thận khác như đỗ trọng, câu kỷ tử, ngưu tất, ngũ vị tử, ba kích, hà thủ ô...
Già yếu, tiểu nhiều, chân phù: quả dướng 12g, phục linh 10g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 10g, ngưu tất 8g, tiểu hồi hương 3g, bạch truật 10g. Nước 3 bát sắc còn 1 bát. Uống ngày 3 lần trước bữa ăn 30 phút.
Lưng gối mỏi, nóng trong xương, sưng mộng răng: quả dướng 9-15g. Sắc uống.
Đau nhức cơ xương khớp: lá dướng bánh tẻ tươi ăn như món rau hằng ngày.
Cây dướng là vị thuốc tốt chữa bệnh đường tiết niệu. |
Lợi tiểu tiêu phù:
lá dướng nấu lấy nước đặc cô thành cao. Mỗi lần uống một chén nhỏ hòa với nước ấm, uống vào lúc đói. Ngày 3 lần.
Chữa đái đục: lá dướng sấy khô, tán bột luyện hồ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 50 viên với nước ấm (Namdược thần hiệu).
Phù toàn thân: vỏ thân cây dướng cạo bỏ lớp bẩn bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng lấy 12g dược liệu phối hợp mộc thông 12g, phục linh 12g, vỏ rễ dâu 4g, vỏ quýt khô 4g, gừng 3 lát. Sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia 2 lần uống trong ngày (Namdược thần hiệu).
Gan nóng sinh mắt vàng: quả dướng nghiền, lọc lấy nước, uống sau bữa ăn.
Mắt mờ, nhức mỏi: quả dướng 500g, hoa kinh giới 500g, nghiền nhỏ hoàn mật bằng đầu ngón tay trỏ. Uống mỗi lần 1 viên với nước sắc lá bạc hà loãng.
Kinh nguyệt không đều và kéo dài: vỏ dướng 8-10g sao cháy. Uống với nước hòa ít rượu. Chia 2 lần uống.
Kiết lỵ: lá dướng tươi (bánh tẻ) 20g, rửa sạch giã nhỏ thêm nước gạn lấy 10ml, thân rễ seo gà 20g, thái nhỏ sắc với 200ml nước còn 50ml. Trộn 2 nước (lá và rễ) uống làm một lần trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
Chữa mụn nhọt, vết ong đốt: lấy lá, quả dướng tươi giã đắp hoặc lấy nhựa lá để bôi.
Chảy máu cam: lá dướng tươi giã vắt lấy nước uống trong ngày.
Bị đâm chém chảy máu: quả dướng giã đắp.
Thổ huyết, tử cung xuất huyết: lá dướng tươi 50-100g giã vắt lấy nước uống.
Nhiễm nấm, hắc lào, lang ben, chàm: lấy mủ nhựa để bôi (tránh vùng mắt) hoặc giã nhuyễn lá, quả để bôi đắp. Lở ngứa ghẻ đun nước các bộ phận của cây dướng (tươi tốt hơn khô) để tắm, rửa, ngâm…
Cảm sốt: lá dướng nấu để xông.
Trẻ em táo bón: Để nhuận tràng cho trẻ lấy lá non bánh tẻ nấu canh cho trẻ ăn hoặc quả chín nấu nước uống.
BS.Hoàng Thuần