Cây dược liệu quý giúp thay đổi cuộc sống người dân Lai Châu

24-10-2023 12:06 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Tỉnh Lai Châu đang hoạch định các chính sách, vốn hỗ trợ dài hạn phát triển sâm Lai Châu nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, ổn định biên giới.

Nhiều tiềm năng phát triển

Sâm Lai Châu là một loại dược liệu quý, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2013. Từ lâu, bào các dân tộc trong sử dụng loại dược liệu này để nâng cao sức khỏe, nay trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn. 

Tỉnh Lai Châu hiện đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây trồng trên 1.600 cây mô hình và phát triển trồng khoảng gần 50 hecta.

Ngoài diện tích hơn 200 hộ dân tự thuần hóa sâm tự nhiên và nhân rộng; toàn tỉnh nay đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư mang lại cơ hội phát triển lớn cho cây sâm Lai Châu và người dân nơi đây.

Cây dược liệu quý giúp thay đổi cuộc sống người dân  - Ảnh 1.

Sâm Lai Châu được xác định là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Ngọc

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sâm Lai Châu có hàm lượng saponin cao gấp đôi các loại sâm khác trên thế giới (52 saponin), đồng thời có chứa hoạt chất mang tên Majonosid R2 - MR2 lên tới 50% hàm lượng saponin toàn phần. Điều này có nghĩa là, sâm Lai Châu không chỉ có tiềm năng to lớn trong nghiên cứu thuốc điều trị ung thư mà còn có tiềm năng lớn trong ngành mỹ phẩm nói chung và mỹ phẩm ngừa lão hóa nói riêng bởi khả năng chống oxy hóa tuyệt vời.

Do rất 'kén chọn" điều kiện sinh trưởng, nên sâm Lai Châu có vùng phân bố rất hẹp - chủ yếu ở các vùng núi cao, rừng rậm nhiều tầng thuộc các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Bên cạnh đó, do có một thời gian dài bị khai thác quá mức ngoài tự nhiên, nên hiện nay, sâm Lai Châu nằm trong Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam và nằm trong nhóm II - nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và nghị định sửa đổi, bổ sung số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/09/2021 của Chính phủ, về các thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ và phát triển.

Tập trung phát triển cây dược liệu chủ lực

Trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, cùng với các loại cây chủ lực như Mắc ca, Chè và một số loại cây dược liệu thì Sâm Lai Châu cũng là cây trồng hứa hẹn mang lại giá trị cao. Hơn nữa đây là loại cây thích hợp trồng ở những nơi có khí ôn đới, độ cao từ 1.000m trở lên và chất đất phù hợp.

Sau khi đã xác định được giá trị của cây Sâm Lai Châu và nhận thấy loại cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát và chưa hình thành các khu sản xuất tập trung, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng xác định cần phải bảo tồn loại cây này, để Sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực. 

Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu cùng với việc kêu gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh để phát triển cây Sâm, tỉnh đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh Dự án vườn giống gốc. 

Cây dược liệu quý giúp thay đổi cuộc sống người dân  - Ảnh 2.

Sâm Lai Châu giúp cuộc sống người dân "thay da đổi thịt". Ảnh: Minh Ngọc

Ông Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết: "Cây sâm Lai Châu sẽ trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực trong phát triển kinh tế, đồng thời là tạo sinh kế bền vững cho nhân dân. Tỉnh cũng đã triển khai đề tài, hình thành đề án phát triển nhóm cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030".

Theo Sở NN&PTNT Lai Châu, hiện tỉnh đang khuyến khích bà con kết hợp cùng các doanh nghiệp đầu tư phát triển và nhân rộng các nhóm cây dược liệu. Đồng thời, đơn vị đang hoạch định để tham mưu các chính sách, vốn hỗ trợ dài hạn hơn, nhằm xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, ổn định biên giới.

Khoảng 10 năm trước, những ngôi nhà vách nứa siêu vẹo gắn liền đời sống du cư của bà con ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Bây giờ, những hình ảnh đó chỉ còn nằm trong suy nghĩ.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Pờ A Sò (58 tuổi, trú bản Sín Chải B) kể: "Trước đây, khi Nhà nước đưa dân về bản ở, mỗi hộ được cấp 15kg gạo/tháng, nhưng không đủ ăn. Dân bản mình không biết làm gì nên mọi người chỉ ở nhà vào mùa mưa, đợi sang mùa khô thì lại vào rừng sống, trẻ con cũng theo vào đó nên không được đi học".

Những năm gần đây, nhờ chăm sóc và buôn bán các loại cây dược liệu như cây sâm, thảo quả,... mà người dân trong bản có điều kiện thay đổi cuộc sống. Nhà nào cũng có xe máy, bà con không còn bỏ nhà lên rừng ở nữa. Các ngôi nhà mới khang trang được dựng lên, trẻ con cũng được đến trường.

Ông Phàn A Sơn – bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường: Năm 2017, gia đình tôi liên kết với 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Thành phố Hà Nội đầu tư mô hình ươm và trồng giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải, xã Giang Ma. Khởi điểm khoảng 2.000m2, đến nay nhân rộng trên 1ha. Tôi lắp đặt mô hình: xây dựng hệ thống khung, trụ, cột, quây lưới đúng kỹ thuật và bảo quản hạt giống, ươm cây, chăm sóc, phòng chống bệnh hại đúng quy trình.

Trong quá trình triển khai, tôi mua trên 500 cây sâm Lai Châu từ 5 – 10 năm tuổi để trồng, chăm sóc và thu hoạch hạt giống. Sau khi thu hạt giống sẽ bán thân, lá cũng như cây giống. Riêng năm 2022, gia đình thu trên 400 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 15 - 20 lao động tại vườn ươm. Ngoài sâm Lai Châu, chúng tôi còn trồng thí điểm một số cây sâm như: vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang. Từ đó, giúp bà con trên địa bàn tiếp cận và từng bước đầu tư trồng sâm Lai Châu cũng như một số loại dược liệu khác để tăng thu nhập.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn