Cây dược liệu hiệu quả gấp 4-5 so với cây lương thực

19-11-2023 08:47 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như: Sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất hoang, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng…

Tỉnh Lào Cai xác định cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực, đã ban hành các quy hoạch, nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu.

Tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đến nay đạt trên 3.550 ha, gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù… từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật.

Toàn tỉnh Lào Cai có 210ha với 13 loại cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP. Giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với sản xuất lương thực.

Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu còn có những hạn chế: Hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún.

Cây dược liệu hiệu quả gấp 4-5 so với cây lương thực- Ảnh 1.

Nông dân trước mùa thu hoạch cây cát cánh.

Diện tích cây sa nhân tím chiếm tỷ lệ lớn (60% tổng diện tích) nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định; chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến sâu; liên kết trong sản xuất cây dược liệu thực hiện chưa tốt, thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Lào Cai ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao...

Cùng với bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố về trữ lượng dược liệu tự nhiên… đồng thời xây dựng các cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống.

Đối với các loại cây dược liệu sản xuất hạt giống và gieo thẳng từ hạt như: Atisô, đương quy, bạch chỉ, bạch truật, tục đoạn... tổ chức sản xuất hạt giống tập trung tại vùng sản xuất như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.

Đối với các loại cây cần phải gieo, ươm hoặc giâm hom cây con trước khi trồng (tam thất, hồi, chè dây, đỗ trọng, hoàng bá, hà thủ ô đỏ...) căn cứ nhu cầu hàng năm tổ chức ươm, giâm hom giống để cung ứng cây giống cho sản xuất đại trà.

Với nhóm cây dược liệu quý, hiếm cần đầu tư xây dựng nhà công nghệ để sản xuất cây giống (nuôi cấy mô) cung ứng theo nhu cầu đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…

Ngoài ra, duy trì ổn định diện tích cây dược liệu dưới tán rừng hiện có, riêng đối với diện tích cây sa nhân tím cần quản lý chặt chẽ, không phát triển mở rộng diện tích. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hằng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát....

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô trên 4.000 ha và đạt 5.000ha vào năm 2030.



PV
Ý kiến của bạn