Cây dược liệu giúp người dân Yên Bái từng bước xóa đói giảm nghèo

20-11-2023 07:04 | Y học cổ truyền

SKĐS - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị như: Giảo cổ lam, Thổ Phục Linh, Trà Hoa Vàng, Khôi tía, Sơn Tra, Thảo quả, Quế...

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân

Để phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị cao, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển quế tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu quý hiếm, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng núi cao; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân...

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái hỗ trợ đầu tư cho khoa học, công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư, thâm canh tăng năng suất đối với những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Lá khôi, đinh lăng, ba kích; khuyến khích trồng bổ sung, cải tạo, thay thế diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch để duy trì ổn định diện tích, sản lượng.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học, công nghệ của các bộ, ngành trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân chuyển từ những cây trồng năng suất thấp sang trồng cây dược liệu. Điều này vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa bảo tồn nguồn dược quý ở địa phương, mở ra cơ hội cho các Hợp tác xã (HTX) , doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu và tạo chuỗi liên kết trong chế biến dược liệu.

Cây dược liệu giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo- Ảnh 1.

Quy trình chế biến cây dược liệu ở các doanh nghiệp và HTX đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết.

Giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý ở địa phương

Ở vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đến nay HTX Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang duy trì trồng 5ha cây dược liệu các loại như: Hà thủ ô, Đương quy, Kim ngân hoa... Sản phẩm làm ra đến đâu được thu hái, sơ chế và xuất bán ngay đến đó, duy trì sự ổn định cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Theo Phó Giám đốc HTX Lũng Lô, ông Sầm Văn Nưa,cho biết: "Chúng tôi tập huấn cho tất cả cán bộ công nhân viên từ vấn đề chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, toàn bộ bằng thủ công chứ không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. HTX cũng đã liên kết với một số các công ty dược trong tỉnh, ngoài tỉnh để xuất hàng".

Theo một người dân ở thôn Trung Tâm, xã Đại Phác, huyện Văn Yên chia sẻ: "Những năm gần đây những diện tích đất trồng khoai, sắn cho thu nhập thấp gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Trong quá trình trồng đã được công ty liên kết hướng dẫn cách chăm sóc, khi được thu hái công ty tới mua tận vườn, chúng tôi rất yên tâm".

Toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị như: Giảo cổ lam, Thổ Phục Linh, Trà Hoa Vàng, Khôi tía, Sơn Tra, Thảo quả, Quế... Trong việc tái cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh định hướng phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng. Trong đó ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu là: quế, sơn tra, thảo quả, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi…

Yên Bái là địa phương có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Đăc biệt trong 200 loài thực vật dược liệu trong sách đỏ Việt Nam thì tỉnh Yên Bái có gần 100 loài. Bởi thế tỉnh Yên Bái không những có tiềm năng dược liệu phong phú mà còn là dược liệu quý hiếm, tiềm năng phát triển trồng trọt, sản xuất các cây dược liệu quý hiếm này.

Đến nay, ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới Yên Bái đều quan tâm đến các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Theo ông Trần Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông Y tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngoài triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học điều tra, khảo sát, đánh giá các cây thuốc, bài thuốc của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã triển khai các hội thảo khoa học kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, kết nối thị trường cho các sản phẩm và chúng tôi đã xây dựng được 3 chuỗi giá trị cây thuốc Nam, đó là chuỗi cho cây lá gan ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, chuỗi cây lá khôi ở huyện Yên Bình và chuỗi cây cà gai leo ở huyện Văn Yên...".

Dù mới có những kết quả bước đầu nhưng khi cây dược liệu được quan tâm mở rộng ở Yên Bái sẽ giúp người dân địa phương từng bước xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý ở địa phương.


PV
Ý kiến của bạn