Cây dứa chữa bệnh gì?

30-03-2024 08:05 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Dứa là loại trái cây rất thông dụng trong cuộc sống hàng ngày nhưng ít người biết cách sử dụng dứa như một vị thuốc cũng như những kiêng kỵ khi dùng dứa.

Dứa còn có tên gọi khác là khóm, thơm, có tên khoa học là Ananas comosus (L.) Merr, thuộc họ Dứa Bromeliaceae.

Cây dứa không chỉ là cây ăn quả mà còn là một cây thuốc quý. Cây có thân ngắn. Lá mọc thành hoa thị, cứng, dài, ở mép có răng như gai nhọn.

Khi cây trưởng thành, thì từ chùm lá đó mọc ra một thân dài 20-40cm, mang 1 bông hoa, tận cùng bằng một chùm lá bắc màu tím, các hoa này dính nhau.

Khi hình thành quả thì các lá bắc mọng nước tụ họp với trục của bông hoa thành một quả mọng kép có màu vàng hay gạch tôm; các quả thật thì nằm trong các mắt dứa. Cây thường ra hoa quả vào mùa hè.

- Tính vị: Quả dứa có vị chua ngọt, tính bình.

- Tác dụng: Dứa có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá; nước dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ.

Nõn dứa thanh nhiệt giải độc; rễ dứa lợi tiểu. Dịch ép lá và quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và đưa hết chất cạn bã ở đại tràng ra ngoài ạ.

1. Ứng dụng lâm sàng của dứa

- Chữa sốt nóng: Nõn dứa (lá non) 30-40g giã vắt lấy nước cốt, uống hay sắc uống ngày 02 lần trong 5 ngày.

- Chữa tiểu tiện không thông, đái ra sạn, sỏi: Dùng rễ cây dứa 30-40g sắc uống ngày 02 lần sáng chiều trong 5-7 ngày.

- Trường hợp bị say nắng (trúng thử), hoặc sốt cao, sốt vàng da: Dùng nõn dứa (phần non của ngọn cây dứa), khoảng 50g, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Có thể dùng nhiều lần trong ngày.

KPPCONT_070775_fullsize

Lá non của cây dứa sắc uống hoặc vắt lấy nước cốt chữa nhiều bệnh.

- Chữa sỏi đường tiết niệu, bí tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu ra máu: Dứa một quả, gọt bỏ vỏ, thêm khoảng 0,3 g phèn chua, nấu trong 3 giờ liền. Lấy ra ăn các miếng dứa và uống nước nấu. Dùng liền một tuần lễ.

Hoặc dùng rễ cây dứa, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống 30 – 50g/ngày. Uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng trên.

- Nhuận tràng: Lấy 50g quả dứa xanh, gọt vỏ, ép lấy dịch cho uống. Cần chú ý, cách dùng này, không thích hợp cho phụ nữ có thai.

- Viêm phế quản: Dứa quả 120 gam, mật ong 30 gam, lá tỳ bà 30 gam, sắc uống ngày 02 lần sáng chiều từ 5-7 ngày.

- Nam suy thận, nữ lãnh cảm: Uống ngày 3 lần nước dứa ép (150ml) với món súp gồm 100g chim câu, 15g hạt sen và 10 quả táo tàu đỏ hầm nhừ sau 30 phút. Ăn 3 lần ngày, liên tục 2 tuần.

- Viêm ruột, tiêu chảy: Lá dứa 30 gam sắc uống. Uống trong 5-7 ngày.

- Cảm nóng phiền khát: Lấy 1 quả dứa giã nát lấy nước, hòa nước sôi để nguội uống. Uống nhiều lần trong ngày.

20190527143141

Quả dứa xanh hoặc chín đều có tác dụng chữa bệnh.

2. Lưu ý khi sử dụng dứa

- Cần gọt hết " mắt dứa": Nguyên nhân do trong mắt quả dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc (người choáng váng, buồn nôn, đau bụng, nôn mửa tiêu chảy). Nếu quá nặng, phải kịp thời đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

- Ăn lượng vừa đủ: Không nên ăn nhiều một lúc gây rát lưỡi, nên ăn lúc no để tránh cồn ruột. Ăn nhiều dứa không những gây rát lưỡi, xót môi mà do thơm cũng giàu acid oxalic; nếu hàm lượng oxalic quá cao sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt canxi.

- Đề phòng say dứa: Để phòng say dứa, ta chỉ ăn trái tươi, còn nguyên vẹn, không dập nát, ủng thối. Gọt mắt sâu cho hết và phải ăn ngay.

- Những trường hợp cần chú ý khi ăn dứa bao gồm: Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng cần tránh ăn nhiều dứa vì trong dứa có nhiều acid hữu cơ và một số enzyme có thể làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày ruột.

- Phụ nữ mang thai tránh ăn nhiều dứa vì có thể làm tăng kích thích co thắt tử cung, dễ gây sẩy thai.

- Tránh ăn dứa lúc đói vì dứa có thể gây cồn ruột, buồn nôn, nôn nao...

Mời bạn xem tiếp video:

8 tác dụng tuyệt vời khi ăn dứa không phải ai cũng biết | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn