Đỗ quyên là loại hoa cảnh được nhiều người yêu thích và lựa chọn trồng trong gia đình. Đỗ quyên thường mọc nhiều ở vùng cao. Đỗ quyên có nhiều giống với nhiều màu hoa đỗ quyên màu đỏ tía, hồng quyên màu đỏ nhạt, hạt quyên màu trắng, hoàng quyên màu vàng.
Bộ phận dùng làm thuốc là hoa, lá và rễ. Hoa đỗ quyên có vị chua ngọt, tính ấm vào 2 kinh can tỳ, tác dụng hòa huyết, điều kinh, trừ đàm, chỉ khái, khử phong thấp, làm hết ngứa; vì vậy được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, băng lậu, tổn thương do ngã, phong thấp, thổ huyết, chảy máu cam. Sau đây là một số cách dùng hoa và rễ đỗ quyên chữa bệnh cho chị em.
Hoa đỗ quyên:
Chữa rong kinh: hoa đỗ quyên 60g, sao với rượu rồi sắc uống.
Kinh nguyệt không đều, thân thể khô gầy: hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành 1 củ, rượu 1/2 thìa, gia vị vừa đủ, 3 bát nước nấu sôi rồi cho hoa đỗ quyên và cùng gia vị.
Điều kinh, trừ phong thấp: hoa đỗ quyên 3 bông, tách rời từng cánh rửa sạch để ráo hãm uống thay trà với 200ml nước sôi kỹ.
Khí hư ra nhiều: hoa đỗ quyên 1 bông, móng lợn 2 bộ. Móng lợn rửa sạch bổ đôi trần nước sôi để ráo. Hoa đỗ quyên bỏ nhị rửa sạch để ráo. Cho tất cả vào nồi với 4 bát nước. Đun nhỏ lửa 1/2 giờ, nêm gia vị ăn cái uống nước.
Mệt mỏi bồn chồn: hoa đỗ quyên với hoa hồng đều 8g. Hãm uống nóng thay trà.
Rễ đỗ quyên:
Chữa rong kinh: rễ đỗ quyên 30g, kim anh tử 30g, tuyền phúc hoa 24g, tây thảo 15g. Sắc lấy nước uống, ngày 2-3 lần hoặc có thể dùng rễ đỗ quyên 30-60g, sắc uống cùng với chút rượu vang.
Chứng đau bụng hậu sản: rễ đỗ quyên tươi 30-60g, sắc uống chia 3-4 lần/ngày.
Chữa rối loạn kinh nguyệt: rễ đỗ quyên 15g, rễ bạc hà 15g, ích mẫu thảo 15g, hoa hồng 9g. Sắc uống.
Đau bụng kinh, đau lưng: rễ đỗ quyên 30g, rễ hải kim sa 30g, ô dược 15g. Sắc uống trước kỳ kinh 1-2 tháng.
Chữa áp-xe vú giai đoạn viêm tấy: rễ đỗ quyên 15-30g, sắc uống trong ngày. Bên ngoài dùng lá đỗ quyên tươi cùng hương phụ đắp vào chỗ đau ở vú.
BS. Phó Thuần Hương