Theo thống kê sơ bộ, sau khi bão số 3 vào Thủ đô, đã có hơn 10.000 cây gãy đổ. Hà Nội đã huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị cùng người dân tập trung tiến hành dọn dẹp cây đổ, khắc phục hậu quả.
Nhiều người Hà Nội ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều cây đã được trồng lâu năm, tán lá rộng nhưng khi gãy đổ lại lộ ra phần rễ vẫn nằm trong bọc bầu nhỏ.
Cây to còn nguyên bọc bầu và hố trồng rất nông. Ảnh: Thu Hồng.
"Tôi thấy có khá nhiều cây được trồng vài năm, nhưng bộ rễ vẫn là rễ chùm nhỏ, nhìn như mới phát triển. Một số cây thậm chí vẫn còn nguyên túi nhựa bọc bầu cây", anh Tuấn Cường (Hà Nội) nói.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, bão số 3 cường độ mạnh, cây bật gốc, gãy đổ là không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, khi cây được trồng xuống mà vẫn còn nguyên bọc bầu bằng lưới nhựa, nilon sẽ khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất và dễ gãy đổ. Trong trường hợp muốn trồng cây còn nguyên bọc bầu thì phải sử dụng bằng những vật liệu phân hủy được.
"Hoàn toàn sai kỹ thuật, sai quy trình… Theo đúng nguyên tắc, cây lớn thì bầu phải to. Nếu bầu có kích trước 40x40cm thì hố phải đào kích thước 60x60cm. Trước khi trồng cây, cần gỡ bỏ bọc bầu bằng nilon để rễ cây có thể dễ dàng phát triển, hút được các chất dinh dưỡng trong đất", chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường cho hay.
Cũng theo chuyên gia Lê Huy Cường, cần lưu ý một số điểm quan trọng khi trồng cây trong đô thị để hạn chế tối đa việc cây gãy đổ, bật gốc trong mùa mưa bão. Những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.
"Trước mỗi mùa mưa bão, cần có kế hoạch cắt tỉa, loại bỏ những cành cây nặng. Bởi tán lá rất lớn, nặng, tốt um tùm sẽ mất cân bằng với bộ rễ. Bộ rễ khi phải chịu áp lực lớn trong mưa bão sẽ dẫn đến gãy đổ", chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường nói.