Vô tình, tôi được làm quen với anh tại bữa tiệc cưới của đứa cháu con một người bạn trong thị trấn Trại Cau. Do cũng thuộc hạng “sâu rượu”, nên tự bản thân không thấy khó khăn gì khi có nhiều người đến mâm chúng tôi nâng ly chào và cùng vui cạn chén. Cũng bởi tưởng bở, khi nghĩ mình là dân thành phố về, nên khách khứa thấy có khuôn mặt lạ và vì vậy họ đến làm quen... Ðâu ngờ, tôi đang được ngồi chung mâm với một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Anh hùng Ðặng Ðăng Lý...
Trên đường chầm chậm lái xe về nhà, tôi phải giảm bớt âm lượng của dàn loa đang thánh thót bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Nụ cười thân thiện của người anh hùng cứ như được in lên kính lái của ôtô. Đạt đến danh hiệu cao quý, anh lại không biểu lộ chút nào vẻ kiêu hãnh của một người thành đạt. Tôi chợt nảy ra một mong muốn là tìm hiểu kỹ hơn về người anh hùng của xứ mỏ...
Trong hệ thống thi đua, khen thưởng ở Việt Nam, nếu ai đã từng chứng kiến cảnh hàng năm, sáu tháng, ba tháng và thậm chí... mỗi tháng, cả tổ sản xuất sau ngày lao động mệt nhoài, lại cứ phải ngồi hàng giờ để bình xét, xếp loại thứ bậc cho việc khen thưởng, thì mới thấy hết những lẩn khuất ẩn sâu trong nếp nghĩ mỗi con người... Cũng tại do cái tỷ lệ phần trăm mà cấp trên định mức cho đơn vị tự lọc khiến không khí trong nội bộ chẳng bao giờ được bình yên. Tự thuở nào, câu cửa miệng: “Một nén tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”, đã như một cái neo vô hình có sức nặng hàng tấn, án ngữ trong tâm khảm người lao động. Xung quanh chuyện bình xét thi đua, những trạng thái: hỷ, nộ, ái, ố... lộ diện hết mọi cung bậc của mỗi con người. Ai liên tục được bình ở diện tiên tiến đã là một chuyện khó. Nếu được xét vào tiêu chuẩn Chiến sĩ thi đua thì hiếm lắm. Có thể cho họ thuộc diện là “mười phân vẹn mười!”. Phải mẫu mực; phải xuất sắc, được cấp trên tin cậy và cấp dưới tâm phục, khẩu phục. Còn vào diện Anh hùng Lao động thì cả đời lao động của tôi, quả thật chưa từng được giơ tay xét cho ai bao giờ!... Vừa rồi xem phỏng vấn GS. Nguyễn Tài Thu ở trên mạng, tôi còn được biết: Vì là Anh hùng Lao động, nên sau này khi quy tiên, vị giáo sư đáng kính sẽ còn có tiêu chuẩn được mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch nữa. Vậy là một Anh hùng Lao động được bảo toàn vinh dự cả khi còn sống cũng như khi đã chết.
Lần đầu tìm đến nhà anh vào giữa mùa mưa, vượt con đường đất trơn nhầy nhụa cách trung tâm xã Hợp Tiến chừng ba cây số. Anh ở ngay căn nhà mà các cụ thân sinh ra anh đã từng sống và gây dựng nên. Mọi thứ cũ kỹ, tuềnh toàng không khác gì những gia đình sống quanh đó. Điểm khác biệt là vách tường phía trong nhà, chỗ nào có thể treo được, đều đã kín những bằng khen, giấy chứng nhận, huân, huy chương... Tấm bằng chứng nhận Anh hùng Lao động anh để tít trên cao. Đứng dưới nền nhà, tôi phải dùng ống kính tele tiêu cự 200 mới chụp được đầy đủ nội dung và rõ nét cả chữ ký của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Trong lúc đợi anh khám và kê thuốc cho mấy người dân, tôi tranh thủ hỏi chuyện người cháu nội của anh. Nó nói: Tuy nay ông đã về hưu, mở phòng khám tại nhà, bệnh nhân đông nhưng ông cứ phải đi dự cưới xin và hội nghị triền miên... Khách đến khám bệnh không gặp ông ở nhà, có người đi lại nhiều lần mới gặp được.
Anh sinh ngày 17/5/1949. Ngay từ thời niên thiếu, anh đã được cha mẹ cho đi theo vào rừng, hướng dẫn, chỉ cách tìm cây thuốc, cách sao tẩm, điều chế chữa trị một số bệnh nan y cho con người. 14 tuổi, anh đã có thể bó xương cho bệnh nhân. Năm 1966, anh được đi học y tế thôn, bản một thời gian ngắn, rồi về hành nghề ở xóm. Năm 1968, khi học xong lớp 7 (hệ 10 năm) anh được mời ra làm ở trạm y tế của xã. Nói là “trạm” nhưng thực chất “trụ sở” lại mượn địa điểm tại nhà ông Triệu Đức Dương nằm ở xóm Bãi Bông. Ga Hợp Tiến khi đó là nơi tập kết hàng hóa, trung chuyển đồ viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, nên suốt mấy thời kỳ Mỹ ném bom oanh tạc miền Bắc, những nơi như ga Kép - ga Hợp Tiến - ga Lưu Xá luôn là mục tiêu phá hoại của máy bay, không kể ngày và đêm.
Từ năm 1971 đến năm 1975, anh được xã cử đi học tại Trường trung cấp Y Thái Nguyên. Khi về trạm, anh công tác liên tục đến năm 2009 thì được nghỉ hưu.
Câu nói: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật” dường như quy luật ấy vẫn chưa đủ với quan niệm của người dân vùng Hợp Tiến quê anh. Khi ốm đau nhiều người còn cho rằng có “ma” làm, nên họ lập đàn cúng ma; đuổi bệnh bằng những tập tục từ thuở sơ khai vẫn âm thầm diễn ra trong không ít gia đình. Anh y tá trẻ ngày đó đã không phải một lần xót xa chứng kiến người bệnh oan uổng phải sống dị tật với quãng đời còn lại, hoặc thậm chí lìa đời. Không thể cưỡng ép người dân khi mắc bệnh phải vào viện hoặc đến trạm y tế xã. Bởi nếu làm vậy, họ sẽ giấu bệnh và người ốm nằm bẹp ở nhà - nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn, chưa nói tới những thứ bệnh có khả năng làm lây lan ra cả cộng đồng...
Là một người Dao, anh hiểu cốt lõi những nguyên nhân khiến người ta còn chưa mạnh dạn đi chữa trị bệnh nằm ở đâu: Đó là niềm tin. Anh âm thầm làm từ những việc nhỏ. Chữa bệnh cho con người, thì trước hết phải hiểu con người, đặc biệt phải tìm mọi cách để dần dần phá bỏ thói quen trị bệnh bằng mê tín dị đoan. Hiểu được điều đó, nhưng làm thế nào là cả một vấn đề với anh và cái trạm y tế trống trơn, trong tủ thuốc ngoài mấy hộp thuốc giảm đau, giảm sốt, giảm ho, dăm lọ thuốc sát trùng; vài cuộn băng, gạc. Dụng cụ thì chỉ có cái ống kẹp đo nhiệt độ, chiếc ống nghe, xi lanh tiêm, thậm chí dụng cụ đo huyết áp còn chưa có (?)!
Giai đoạn này anh mới thấy quý những bài thuốc Nam mà các cụ đã truyền cho. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần nghe tin có ai đó ốm đau, gia đình họ còn chưa kịp báo lên trạm y tế, nếu có thể là anh đã tìm đến với người bệnh. Dần dà sự xuất hiện của anh trong mỗi xóm, hoặc trong từng gia đình không còn là hình ảnh xa lạ nữa. Người ta kể bệnh với anh như nói chuyện với hàng xóm láng giềng, thậm chí như san sẻ với người nhà. Bệnh nào trị được bằng thuốc Nam, anh bốc thuốc cho họ. Bệnh nào anh biết phải vào viện, thì anh sơ cứu rồi tận tình hướng dẫn họ đi chữa trị ở tuyến trên.
Anh phải túc trực ở trạm suốt cả ngày lẫn đêm. Công việc thường niên nhất khi đó là đỡ đẻ. Có ngày phải đỡ đẻ vài ca. Những trường hợp cần phải đụng đến dao kéo là anh thuyết phục gia đình cho sản phụ đi viện. Không ít trường hợp, anh còn cuốc bộ vài chục km hộ tống cùng cáng người vào viện. Có những dịp anh đến với người bệnh triền miên, trạm y tế khi đó anh phải nhờ cụ thân sinh của mình đến “trực” giúp.
Sau những năm tháng thấp thỏm lo bom Mỹ, đến thời kỳ kinh tế khó khăn đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 và đặc biệt giai đoạn cả xã người ta đua nhau khoét suối, đào ruộng tìm kiếm vàng,... người tứ xứ đổ về sống vật vạ trong lán trại, kéo theo đủ thứ bệnh tật cho vùng quê và nạn nghiện ngập như một cơn lốc lây lan, làm tàn hoang không ít những nếp nhà vốn vẫn thanh bình, nền nếp từ nhiều thế hệ... Khi giấc mơ vàng lụi dần trong những con người vốn chất phác muốn phút chốc đổi đời thì nó cũng đã kịp để lại cho người Hợp Tiến rất nhiều hệ lụy trong tâm lý, chập chờn mối hoảng loạn, pha chút ngơ ngác, hoang tàn - cảm giác giống như khi người ta ngắm nhìn một khu khai thác quặng sắt bị bỏ hoang...
Với nỗ lực của lãnh đạo xã và sự đóng góp tự nguyện của người dân, trạm y tế cũng đã có được trụ sở riêng. Được trang bị giường bệnh, có phòng đỡ đẻ, có tủ thuốc. Nhưng biên chế thì vẫn chỉ có mình anh. Lãnh đạo chi trả thù lao cho anh như một lao động chính làm nông nghiệp. Anh được hứa trả mỗi ngày 1kg thóc, nhưng lĩnh ở mùa thu hoạch. Vậy nên những năm người dân mất mùa thì thu nhập của anh cũng bị cắt xén bớt đi... Đến khi có “Chỉ thị 58” thì anh mới được trả lương bằng tiền mặt là 36 đồng/tháng. Trước ngày anh nghỉ hưu (năm 2009), mức lương khi đó là khoảng 2 triệu đồng.
Hợp Tiến là xã tiếp giáp với huyện Phú Bình, phía Đông lại giáp với huyện Yên Thế của Bắc Giang, nên người dân ở gần đó thường đến Trạm Y tế xã Hợp Tiến khám chữa bệnh. Mô hình bác sĩ gia đình hiện đang được cả nước hướng đến. Nhưng ở Hợp Tiến, dường như đã được anh áp dụng một cách tự nhiên. Sau nhiều năm làm ở trạm y tế xã, không ít gia đình đã mấy thế hệ luôn đến tìm anh chẩn trị bệnh và nhờ tư vấn thuốc thang. Giới thiệu bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên kịp thời, chuẩn xác, cũng góp phần làm giảm chi viện phí và thời gian điều trị bệnh cho người dân.
Việc một ông y sĩ, làm trưởng trạm y tế xã, lại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hẳn là chuyện hiếm hoi ở Việt Nam. Tôi hỏi anh về những cảm nhận cá nhân, khi nhận được danh hiệu cao quý đó thế nào? Thì anh chỉ cười, rồi lại hào hứng nói về những ngày Trạm Y tế xã Hợp Tiến được Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương lên thăm, làm việc và giao ban. Khi đó có cả trăm đại diện của các xã trong tỉnh nhà và tỉnh bạn đến tham quan mô hình y tế thôn bản của xã Hợp Tiến.
Anh như ngầm bảo: “Thời thế tạo anh hùng...”, anh có được danh hiệu đó là nhờ nhiều thế hệ lãnh đạo xã luôn tin anh, người dân và bệnh nhân yêu quý anh, cũng còn do các cấp ủy đảng và chính quyền vun vén... Và trên hết: Phương châm trị bệnh cứu người không vì lợi, được các cụ truyền dạy từ những ngày còn niên thiếu, được quán triệt khi phổ cập trong trường y đã trở thành nguyên tắc hành nghề và nguyên tắc sống của anh, ngay cả những lúc sự thiếu thốn vật chất trong gia đình anh gặp đận khó khăn nhất. Đến khi về hưu, anh vẫn làm hết khả năng của mình, không phải cố để làm giàu, cho một gia đình vốn đã nhiều năm không vào diện khá giả... Nhìn tập thiệp cưới dày hơn cả quyển “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đặt nơi góc bàn, tôi hiểu để duy trì mối quan hệ của một người anh hùng trong một miền quê nghèo, thì hơn vài triệu đồng lương hưu của anh hiện nay thực sự quá là khiêm tốn...
Anh hùng Lao động Đặng Đăng Lý.
Khi tôi hỏi anh: Suốt cả đời gắn bó với trạm y tế xã, ngày về nghỉ hưu thứ gì làm anh thấy lưu luyến, khó chia tay nhất? Anh khiến tôi bất ngờ khi trả lời: “Cái đèn bão!”. Ô hay? tôi cứ tưởng chiếc ống nghe; hộp đựng kim tiêm, hay dụng cụ đo huyết áp... mới là những vật bất ly thân của một người hành nghề y. Cái vật cổ lỗ, được gò bằng sắt tây, có chiếc bóng thủy tinh mỏng manh được lồng vào khung làm từ mấy sợi dây thép đan chéo, uốn cong; nâng lên, hạ xuống nhờ cái gạt lò xo... lại là dụng cụ của ngành y sao (?) Nhưng ai đã sống ở cái thời phân phối từ cái săm xe đạp, chiếc áo ba lỗ... chắc đã hiểu: Quả pin con thỏ khi đến được với người tiêu dùng thì đã sùi vỏ kẽm và mạng lưới điện quốc gia bốn mùa luôn cạn kiệt, tựa con suối khô vào mùa hạn, chỉ đủ sức thắp cái bóng Rạng Đông hoe đỏ như con mắt người nghèo... Mới thấy hết được giá trị của cây đèn bão ngất ngưởng đu dưới cái quai thép; mưa không lọt nước, gió không làm nghiêng ngọn lửa, tồn tại tằn tiện chỉ bằng chút dầu hôi, luôn tung tẩy theo nhịp bước người đi đường dấn lên phía trước...
Anh lặng im ngồi nhìn ra ngoài cửa. Dường như anh đã phật ý khi thấy vẻ ngạc nhiên của người đang nói chuyện với mình. San sẻ, tâm sự với một người không có những trải nghiệm bằng mấy chục năm quăng quật với nghề, chưa từng trải qua niềm vui khi thấy bệnh nhân đang hồi phục. Cũng chưa bao giờ nhận nỗi đau, cảm giác bất lực và sự dằn vặt của một thầy thuốc, khi chứng kiến bệnh tật cướp đi sinh mạng bệnh nhân của mình... Phải chăng đó là những chướng nghiệp chỉ người trong nghề như anh phải mang vác (?).
Cũng không biết nữa, hay anh đang nghĩ về đoạn đường lầy lội từ tỉnh lộ 259 về nhà? Hoặc anh nghĩ về những nẻo mòn đến với hơn 5.000 người dân sống trải khắp một xã có diện tích 48 km²? (hơn 6 lần diện tích của xã Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên). Cũng có thể anh nghĩ đến những khi một mình bước trên lối hẹp, chợt giật mình nghe tiếng rắn bò loạt soạt qua đám lá khô. Và những lần bị thụt hẫng xuống vệt chân trâu ngã dúi dó, người ướt lướt thướt, lập bập run vì rét? Cả khi lạnh sống lưng, ù tai bởi tiếng sét đánh gần mà vẫn mò mẫm lẻ loi bước trong đêm mưa vắng?... Chỉ mình anh với cây đèn đã thành bạn, xoắn xuýt với nhau từ thuở mười sáu trẻ trung, đến tận ngày nâng trên tay quyển sổ hưu; ấy là khi đầu gối đã thấy chớm đau vì bệnh khớp.
Và đã bao giờ anh đặt mình vào tâm trạng của người nhà bệnh nhân, mỗi khi họ đứng ở ngoài hiên trong đêm tối, xót lòng nghe tiếng kêu rên của người thân và chợt thở phào khi nhìn thấy chùm sáng của cây đèn hắt ra, đang tiến dần đến ngõ nhà mình (?). Với họ, người y tá và ánh sáng cây đèn bão đã hòa thành một. Đó là niềm hy vọng, là niềm tin, là cây cọc người ta muốn dựa vào khi đuối nước...
Cây đèn bão đã chứng kiến những buồn vui với anh; bao nhiêu đứa trẻ trong xã trước khi nó thấy được mặt trời, thì đã được tia sáng ấm áp của cây đèn bão soi tỏ mặt? Và chắc chắn cả những khóe mắt già nua, mệt mỏi của những thân phận đã đi trọn vẹn một kiếp người; khi cơ thể đã từ chối mọi thứ bổ dưỡng, thuốc thang. Nhưng lại nhận ở cây đèn bão làn ánh sáng cuối cùng đưa tiễn...
Tôi còn được biết anh nổi tiếng là người nóng tính. Nếu ai đó đến khám bệnh mà quần áo hôi hám, hay mỗi khi đến với gia đình nào đó thấy họ ăn ở không hợp vệ sinh, thấy sự nhếc nhác của lũ trẻ, hoặc một cụ già không được chăm sóc chu đáo là anh không chịu được...
Năm tháng qua đi, những cái gì thuộc về quá khứ thì nó đã đi vào lịch sử. Người Hợp Tiến hôm nay đã khác so với vài chục năm trở về trước. Những con đường bê tông đang nối tới từng gia đình trong xã. Những căn biệt thự xinh đẹp đây đó nổi bật trên nền xanh cây trái. Đất đai đang trả công cho người lao động. Và trạm y tế xã đã có bác sĩ chuyên môn; cơ sở khang trang với nhiều trang thiết bị. Người Hợp Tiến giờ đến viện, đã cầm trên tay tấm thẻ bảo hiểm y tế. Người Dao vẫn giữ phong tục thờ phụng tổ tiên. Trong lời khấn vái họ vẫn rì rầm mong bề trên ban cho gia đình, cháu con mạnh khỏe. Nhưng từ lâu nếu thân nhân họ rủi có ốm đau, cũng không phải uống thứ nước hòa tàn nhang nữa... Và hệ thống điện lưới dịch vụ ngày nay đã cải thiện rất nhiều. Nhưng chắc hẳn những người Dao ở Hợp Tiến vẫn không thể quên hình ảnh người y sĩ nhỏ bé, đêm đêm cùng cây đèn bão len lỏi trong ngõ vắng đến thăm khám cho bệnh nhân là người thân của mình.
Tôi chợt nhớ tới thái độ trìu mến của những người đến chúc rượu hôm dự tiệc cưới. Và khi đã hiểu anh, tôi đột nhiên thấy mình nhỏ bé và chút ghen tị cá nhân nằm ẩn sâu trong lòng tôi đã bay biến tự lúc nào.
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2016