Giáo sư Phan Đăng Nhật đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 cho cụm công trình Sử thi Êđê và Vùng sử thi Tây Nguyên.
Ông là một trong những chuyên gia hiếm hoi ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số, được giới nghiên cứu văn hóa tôn vinh là nhà nghiên cứu hàng đầu về sử thi. Ông có đóng góp quan trọng trong hướng nghiên cứu về sử thi các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông đã dày công nghiên cứu về sử thi Mường, huyền thoại Mường và rồi đọng lại ở sử thi các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với luận án Tiến sĩ Những đặc điểm cơ bản sử thi - khan ở Việt Nam (bảo vệ ở Bungari năm 1989) và cuốn sách Sử thi Êđê (1991). Với hai công trình này, lần đầu tiên ông đã giới thiệu được toàn diện và có sức thuyết phục về sử thi Êđê ở Việt Nam, được các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học ở một nước Đông Âu có truyền thống nghiên cứu folklore thừa nhận.
Giáo sư Phan Đăng Nhật (1931 - 2020)
Bên cạnh đó, công trình đồ sộ Kho tàng ca dao người Việt mà ông là đồng soạn giả đã trở thành bộ sách công cụ có giá trị và là dấu mốc quan trọng không thể không nhắc đến trong lịch sử sưu tầm và biên soạn ca dao người Việt. Ngoài ra, các chủ đề nghiên cứu về lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương pháp nghiên cứu văn học dân gian đều được ông quan tâm và công bố những bài viết có giá trị.
Theo nhà văn – nhà báo Nguyễn Thế Khoa, nhờ Giáo sư Phan Đăng Nhật , các bộ sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Tây Bắc, Việt Bắc, Mường đã được sưu tầm, nghiên cứu xuất bản rất hệ thống. Là người đứng đầu Hội đồng Mạc tộc cả nước, ông đã nghiên cứu và cho xuất bản hai cuốn sách về một triều đại lớn từng bị lịch sử ngộ nhận, bỏ quên. Gần đây, khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, Phan Đăng Nhật cho rằng hiện tượng văn hóa kỳ thú này của dân tộc ta chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Bởi thế, ở tuổi 87 ông đã hào hứng bắt đầu công trình nghiên cứu về hầu đồng, khởi động bằng bài viết về các hiện tượng kết nối con người hai cõi âm dương ở các nền văn hóa thế giới và các dân tộc thiểu số Việt Nam.
"Khi tôi ra cuốn tạp bút Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình ông rất thích thú đọc và viết bài giới thiệu ngay cho báo chí. Tôi thỉnh thoảng đến thăm ông khi ông ở căn phòng chật chội trong một biệt thự ở Đặng Tất hay sau này chuyến đến ngôi nhà ba tầng rộng rãi trong ngõ Cầu Giấy. Tài sản lớn nhất của ông là sách. Sách lúc nào cũng đầy chật nhà ông khi chỉ là một căn phòng đến cả khi một nhà ba tầng. Ông rất chăm tập thể dục và nhiều lúc tự chế thuốc cho sức khỏe của mình. Có dạo ông mua máy làm tỏi đen “thần dược”. Tôi đến chơi, ông lấy tỏi đen cho tôi ăn và khuyên tôi nên mua máy làm tỏi mà dùng. Ba năm nay, ông dốc sức chuẩn bị một hội thảo thực sự khoa học về tín ngưỡng thờ mẫu. Năm trước, ông phải đi cấp cứu và nằm viện khá lâu nhưng vừa khỏe lại, được về nhà...
Cứ nghĩ ông luôn biết cách giữ gìn sức khỏe, vẫn minh mẫn, vẫn làm việc say sưa như thế ở tuổi 90, chắc ông sẽ còn sống thêm nhiều năm nữa để hoàn thành những dư định khoa học còn dang dở. Nhưng ông đã bất ngờ dừng bước vào ngay trước tết Đoan Ngọ năm Canh Tý 2020. Với Phan Đăng Nhật đây không hề là chấm dứt, dừng bước mà sẽ là cuộc điền dã mới khám phá cõi tâm linh đầy bí ẩn mà ông đang không ngừng theo đuổi nghiên cứu..." – nhà báo Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.