Hà Nội

Cây đại thụ của văn học Thụy Điển

06-02-2013 10:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nếu trên một cái gò của Công viên Thủ Lệ, người ta đặt tượng Nguyễn Tuân không mặc quần áo, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, ắt là dân Hà Nội buồn cười đến chết.

Nếu trên một cái gò của Công viên Thủ Lệ, người ta đặt tượng Nguyễn Tuân không mặc quần áo, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, ắt là dân Hà Nội buồn cười đến chết. Vì cũng khó tưởng tượng ra một văn nhân ở trần, một Nguyễn Tuân lực sĩ!

Nhưng điều này đã xảy ra với Strinberg, nhà văn lớn của Thụy Điển. Nhà điêu khắc Carl Eldh đã gán cho ông một thân hình lực sĩ không mặc quần áo với dáng một vị thần cổ Hy Lạp, La Mã: tượng đồng của ông ngồi đăm chiêu trên một quả đồi nhỏ đã trở thành công viên Strinberg, cách Viện Bảo tàng Strinberg độ trăm thước. Viện Bảo tàng Strinberg ở số 85 phố Drottninggatan, trên gác một tòa nhà thường gọi là Tháp Xanh. Đây là một trong 24 nơi tại Stockholm mà nhà văn đã ở, nơi duy nhất còn giữ được nguyên vẹn. Ông ở trong một căn hộ tầng 4, trong gần 5 năm mãi cho đến khi ông qua đời. Nhà này ở một khu cửa ô, cũng là khu mà ông đã sống thời thơ ấu và niên thiếu. Tất cả các phòng, phòng ăn, phòng khách phòng ngủ, phòng làm việc… đều giữ nguyên như khi ông sống. Giường ngủ y như lúc ông tắt thở, có mấy cuốn Kinh thánh khổ lớn. Phòng làm việc còn để đèn dầu, tuy trong phòng đã mắc đèn điện, còn cả chiếc thang máy lồng mắt cáo. Bạn bè đến phòng khách có chiếc dương cầm thường nghe nhạc Beethoven. Ngày sinh nhật ông 60 tuổi và 63 tuổi (1912), ông đã đứng trên ban công phòng ngủ để nhìn xuống đám rước đuốc diễu qua mừng ông. Buổi rước đuốc lần thứ hai, những người ngưỡng mộ ông đã trao cho ông “Giải chống giải thưởng văn học Nobel” do quần chúng quyên góp. Viện Hàn lâm Thụy Điển rất bảo thủ, không tặng giải Nobel cho ông vì ông có tư tưởng cấp tiến. Đám tang của ông, ông mất năm 63 tuổi, ngày 19 tháng 5 năm 1912 biến thành một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của 6 vạn công nhân thuộc phong trào công đoàn.

Tiễn tôi sau khi cho tôi xem một phim về Strinberg, bà Anita Perrson  - Giám đốcViện Bảo tàng Strinberg cười mà bảo: “Tôi rất phục thiên tài Strinberg nhưng tôi không thích tính tình ông vì ông không hòa mình với xã hội”.

Đặc trưng bản chất nhà văn này là qua những sáng tác rất đa dạng, ông hiện ra lúc là con người ghét đàn bà, lúc là trái tim trìu mến, lúc là một    nhà báo bút chiến ngỗ ngược, lúc là người hùng siêu nhân kiểu Nietzsche, lúc là thiên tài bên bờ vực thẳm của sự mất trí, lúc là một đầu óc viển vông.

Mới đầu, ông đặt hy vọng sẽ nổi danh với vở Ông Olof viết năm 23 tuổi, nhưng Nhà hát Hoàng gia không nhận diễn. Năm 25 tuổi, ông được nhận vào làm ở Thư viện Hoàng gia, ông lao vào những công trình nghiên cứu uyên bác nhưng vẫn không ngừng viết báo và sáng tác văn nghệ. Năm 29 tuổi, ông lấy bà Nam tước Siri von Essen. Bà này mơ làm diễn viên nên cuối cùng đã bỏ chồng là một sĩ quan trẻ để lấy ông. Mới đầu, họ có vẻ hạnh phúc, nhưng chỉ mấy năm sau, vợ chồng lủng củng và ông bắt đầu ghét phụ nữ. Từ năm 35 tuổi, ông đã mất thăng bằng về tâm thần. Do quá nhạy cảm, dễ tự ái, lại bài bác tôn giáo và công kích phụ nữ, ông không sống được ở xã hội Thụy Điển. Ông đưa vợ con ra nước ngoài, sống lang thang ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ…

Mãi đến 1879, khi ông 31 tuổi, ông mới nổi tiếng là nhà văn nhờ tác phẩm Căn phòng đỏ, một cuốn tiểu thuyết phê phán xã hội.

Những năm đầu thập kỷ 80, Strinberg trở lại với kịch. Năm 1883, tập thơ đánh dấu bước đầu sáng tác thơ trữ tình của ông, với những nét chủ nghĩa tự nhiên, ngôn từ táo bạo, tập thơ này báo hiệu thơ hiện đại thế kỷ XX và mang lại một luồng tươi mát cho thơ Thụy Điển lúc đó đã ngưng trệ và nặng về nhớ nhung, hoài cổ… Những năm 80, ông sáng tác truyện lịch sử (Những số phận và những cuộc phiêu lưu Thụy Điển - 1882) nêu lên những mâu thuẫn xã hội, giữa thành phố và nông thôn, ông bênh vực các tầng lớp cùng dân. Những năm 1884-1886, Stringberg viết một loạt truyện ngắn, lấy tên chung là Vợ chồng, đề cập đến vấn đề vợ chồng, thách thức phong trào phụ nữ tiến bộ và cả tầng lớp xã hội bảo thủ. Ông bị đưa ra tòa nhưng được trắng án. Năm 1887, cuốn Bản biện hộ của một người điên tác giả viết không úp mở về đời sống hôn nhân với Siri von Essen. Mãi đến năm 1891, tòa mới chính thức tuyên bố ly dị giữa hai người. 

Năm 1887, tiểu thuyết Những người đảo Hem-xơ là một thành công   xuất sắc của Strinberg. Rồi nhiều vở kịch xuất sắc khác của ông được trình diễn: Người cha (1887), Tiểu thư Iuli (1888) và Những chủ nợ (1888)…             

Ông có 7 năm sống ở nước ngoài, lấy vợ lần thứ hai, chỉ sống với nhau được 4 năm, ở Đức. Có thời gian ông nghiên cứu khoa học tự nhiên, chiêm tinh, khoa học huyền bí, ở Pháp. Năm 1899, ông về ở hẳn Thụy Điển, sống cô đơn, yếm thế. Năm 53 tuổi, ông lấy vợ lần thứ ba, nữ diễn viên Na Uy, sau khi sinh một con gái, hai người lại chia tay.Dù sao cuộc hôn nhân ấy cũng mang lại một niềm hứng khởi tạo ra vở kịch hấp dẫn nhất của ông: Giấc mộng. Sau cuộc khủng hoảng tâm thần, Strinberg còn viết một loạt kịch lịch sử nằm trong chủ đề cuộc đời là tội lỗi và sám hối. Trong giai đoạn cuối, Strinberg còn đóng góp cho văn học bằng thơ trữ tình. Strinberg bị ung thư và chịu đựng rất can đảm. Ngày 13/5/1912, ông cảm thấy cái chết đã tới gần, ông ôm Kinh thánh vào ngực và khẽ nói: “Tất cả đã được sám hối!”. Rồi ông tắt thở. Cái chết của Strinberg đến nay vừa tròn 1 thế kỷ!

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn