"Cây đại thụ" ca trù Nguyễn Thị Chúc qua đời sáng nay

07-04-2014 16:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã qua đời lúc 5 giờ sáng nay (7.4) tại quê nhà ở thôn Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Nội. Bà ra đi ở tuổi 85 do tuổi cao, sức yếu...

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã qua đời lúc 5 giờ sáng nay (7.4) tại quê nhà ở thôn Ngãi Cầu, Hoài Đức, Hà Nội. Bà ra đi ở tuổi 85 do tuổi cao, sức yếu...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề hát ca trù, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc từng được đông đảo công chúng biết đến như một danh ca nổi tiếng và hiếm hoi của thế kỷ 20 trên đất Hà Thành.

Tài năng không đợi tuổi

Được thừa hưởng truyền thống của gia đình cộng với niềm đam mê và nhiệt huyết, bà đã sớm bộc lộ những tố chất đặc biệt của một ca nương thực thụ khi tuổi đời còn rất trẻ. Sinh năm 1930, nhưng tới năm 12 tuổi đã theo cha mẹ đi hát ca trù kiếm sống ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Dường như những thanh âm của lời ca, tiếng đàn đáy, nhịp phách đã ngấm vào máu thịt của bà một cách rất tự nhiên. Để rồi như duyên nghiệp, người ta đã biết tới ca nương Nguyễn Thị Chúc – một danh ca nức tiếng xứ Hà Thành với giọng ngâm trong trẻo và kỹ thuật ém hơi, đổ hột điều luyện mà tài tình. Chiếm được cảm tình của vô số người nghe khi bà mới mười tám, đôi mươi.

Ca trù là một môn nghệ thuật truyền thống khá đặc biệt bởi rất kén người nghe. Trước đây, ca trù thường chỉ được biểu diễn chốn cung đình cho tầng lớp cao cấp trong xã hội xưa thưởng thức. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, do hoàn cảnh lịch sử mà ca trù đã bị cấm đoán vì bị quy là “tàn dư của chế độ phong kiến”. Các ca nương kép đàn đều phải giấu thân phận của mình. Cụ Chúc từng tâm sự, phải sau 44 năm (tới năm 1994) cụ mới lại được mời đi hát trở lại khi Nhà nước có ý định phục dựng nghệ thuật Ca trù trên cả nước.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc

Bằng niềm đam mê và tài năng vốn có của mình, lúc sinh thời bà đã lặng lẽ truyền dạy cho bao lớp học trò những kiến thức và bí quyết của nghề để rồi cho “ra lò” không ít các ca nương đi biểu diễn ở các sân khấu trên cả nước. Nổi bật trong số đó là ca nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long, là đệ tử chân truyền của bà từ năm 2006. Có thể nói, sau ngần ấy năm rời xa tiếng đàn, nhịp phách nhưng ẩn chứa đằng sau thân hình nhỏ nhắn là cả một kho tư liệu sống về nghệ thuật Ca trù. Bà được giới chuyên môn đánh giá rất cao về khả năng ém hơi, đổ hột, nhả chữ… vô cùng điêu luyện và tinh tế.

Năm 2002, bà Chúc từng được mời tham gia giảng dạy lớp Ca trù ở Nhạc viện Hà Nội. Bên cạnh việc giảng dạy, bà còn là ban giám khảo những cuộc thi ca trù lớn nhỏ khắp cả nước. Năm 2004, bà đã cùng với ông Chu Trí Cang thành lập CLB Ca Trù Ngãi Cầu và CLB Ca trù Hoài Đức với gần 40 thành viên gồm các ca nương và kép đàn nhằm giữ lại nét truyền thống cho chính mảnh đất quê hương mình. Với tài năng và sự đóng góp của mình cho Ca trù, ngày 28.12.2005, nhà nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho bà Nguyễn Thị Chúc.

Mặc dù vậy, bà vẫn rất trăn trở về tương lai của môn nghệ thuật truyền thống này. Và như có cái “duyên tiền định”, vào tháng 8.2006, bà đã cùng với đệ tử chân truyền của mình là đào nương Phạm Thị Huệ thành lập CLB Ca trù Thăng Long, nay là Giáo phường Ca trù Thăng Long để tạo không gian và môi trường tryền dạy Ca trù cho lớp thế hệ kế cận hôm nay và mai sau. Tháng 10 năm 2009, Tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc chính thức công nhận nghệ thuật Ca trù của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tháng 12 năm 2009, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nhận giải thưởng Đào Tấn. Năm 2010, bà đã cùng với Giáo phường Ca trù Thăng Long tham gia nhiều chương trình và tổ chức nhiều đêm diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong những lần diễn ra Liên hoan Ca trù tại Hà Nội từ năm 2011 đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc là một nhân vật không thể thiếu trong thành phần ban giám khảo.

Còn đó những trăn trở...

Tính đến trước ngày bà ra đi, cũng được 20 năm bà được sống lại niềm đam mê của mình. Đó cũng là quãng thời gian mà bà đã có những hoạt động không biết mệt mỏi để gìn giữ và truyền đạt nghệ thuật Ca trù. Ở tuổi ngoài bát tuần, nhưng lúc ấy bà vẫn luôn trăn trở để làm sao cho những nét đặc sắc của Ca trù sẽ còn mãi với dòng chảy của nền văn hóa dân tộc. Giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, thêm yêu những giá trị riêng có của những môn nghệ thuật truyền thống nói chung và Ca trù nói riêng. Cả một đời theo nghiệp Ca trù nhưng bà vẫn không quên nghĩa vụ của mình trước các bậc tiền nhân. Bà là nghệ nhân hiếm hoi truyền dạy vốn nghệ thuật dân tộc này tới nhiều học trò nhất. Ngoài các ca nương, đào đàn trẻ của Giáo phường Ca trù Thăng Long, hầu hết các ca nương nổi bật của Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội, Hà Tây đều do bà truyền dạy. Bà từng chia sẻ, nếu để nét văn hóa đặc sắc này mai một theo thời gian mà không phổ biến rộng ra thì sẽ là có tội lớn với tiền nhân. Ẩn sâu trong những câu hát đó còn là hồn của dân tộc, chớ để Ca trù bị thất truyền…

Có lẽ, chính bởi tài năng và cái tâm trong sáng của mình, dù nay đã ra đi nhưng bà hoàn toàn xứng đáng được mọi người tôn vinh là một trong số các “Cây đại thụ của nền ca trù đất Bắc.

 

 


Ý kiến của bạn