Vươn lên để xứng đáng là công dân thôn Bác Hồ
Để tìm hiểu về tên gọi thôn Bác Hồ, chúng tôi tìm đọc cuốn sách Lịch sử cách mạng xã Khánh Nam. Tại trang 67 của cuốn sách này ghi: "Năm 1971, thôn A Xây được Huyện ủy Khánh Vĩnh phong tặng danh hiệu thôn Bác Hồ".
Là người am hiểu lịch sử địa phương và đang sinh sống tại thôn Bác Hồ, ông Cao Dáng (69 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) cho biết, từ xưa đến nay, từng người dân thôn A Xây đều dành cho Bác Hồ, Vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam lòng kính trọng sâu sắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thanh niên thôn A Xây một lòng nghe theo Đảng, Bác Hồ nên tham gia đội du kích xã Khánh Nam để bảo vệ địa phương. Ai cũng ước mong đất nước sớm được thống nhất, non sông liền một dải để một lần được gặp Bác Hồ. Chính thế nên, thôn A Xây được được tặng thêm danh hiệu thôn Bác Hồ.
Sau ngày giải phóng đất nước, người dân thôn Bác Hồ bắt tay vào kiến thiết đời sống, tiến hành trồng nhiều loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang trồng cây đặc sản bưởi da xanh và ông Cao Dáng là người tiên phong.
Chỉ tay về ruộng bưởi mướt xanh của gia đình mình, ông Dáng bộc bạch, trước đây chỉ biết lấy cây gỗ nhọn chọc xuống đất để gieo hạt bắp (ngô) rồi chờ đến ngày thu hoạch, hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều đêm suy tư, tôi quyết chuyển sang trồng bưởi da xanh. Loại cây này phát triển mạnh, quả ra bốn mùa, thương lái đến tận vườn mua.
Thấy việc chuyển đổi cây trồng của mình thành công, từ năm 2012 đến nay, ông Cao Dáng miệt mài đến từng nhà dân vận động trồng bưởi.
"Là người con của vùng đất này, thấy người dân chưa tìm được loại cây trồng thích hợp để làm giàu, lòng tôi cứ bồn chồn không yên. Năm 2012, khi đó bản thân đang là Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, ngày nắng cũng như ngày mưa tôi vận động từng người dân trong xã trồng cây đặc sản bưởi da xanh.
Nhà nhà, người người phải nỗ lực vươn lên để xứng đáng là công dân thôn Bác Hồ. Thế rồi, chẳng mấy chốc, bưởi đã phủ xanh cả thôn, ai cũng xem đây là cây đặc sản giúp đời sống tốt hơn. Hiện nay, 80% người dân thôn Bác Hồ trồng bưởi da xanh, nhà trồng ít thì 2-3 sào, nhà nhiều thì 1-2ha. Nhà tôi chỉ trồng hơn 2 sào nhưng mỗi năm trừ chi phí lời trên 40 triệu đồng", ông Dáng chia sẻ.
Quanh năm cây đặc sản có trái
Nhiều người thôn Bác Hồ đồng lòng chuyển sang trồng cây đặc sản bưởi da xanh vui mừng cho biết, loại cây này chỉ cần trồng hơn 2 năm, tưới đủ nước là ra trái suốt 4 mùa, thế nên vào thời kỳ giáp hạt cũng vẫn có "đồng ra, đồng vào" nhờ cây bưởi.
Dốc hết tâm huyết gắn bó với cây bưởi da xanh, ông Hoàng Văn Thành (thôn Bác Hồ) thổ lộ: "Nhà tôi trồng khoảng 1ha, mỗi năm trừ chi phí, lời hơn 100 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất là bà con thôn Bác Hồ giờ ai cũng thích thú cây đặc sản này. Trẻ em thì tỉa lá, thanh niên thì tưới nước, chăm sóc cho cây, người lớn thì liên kết với các thương lái cho họ đến tận nhà mua".
Nhớ những năm tháng cũ, ông Thành kể thêm, khi xưa trồng bắp và các loại cây khác cả năm quần quật đến chai sần đôi tay nhưng cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày bắt nhịp loại cây đặc sản này, tôi mua sắm được nhiều phương tiện đắt tiền phục vụ cho đời sống. Có thời điểm, bưởi da xanh vào mùa thu hoạch đầu thôn đến cuối thôn đều rôm rả câu chuyện trồng bưởi.
Cũng theo ông Thành, trước khi bắt tay vào trồng bưởi da xanh, người dân thôn Bác Hồ phải cam kết trước cộng đồng, tuyệt đối không được phun bất cứ thuốc hay chất bảo quản nào quả bưởi, phải vì sức khỏe người sử dụng.
Trưa 3/6, ông Đặng Thành Nhân, Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cũng cho biết: "Cây bưởi da xanh đúng là cây đặc sản chủ lực của xã Khánh Nam. Trong đó, tại thôn A Xây (thôn Bác Hồ) có 176 hộ gia đình thì hầu hết đều trồng bưởi da xanh. Loại cây đặc sản này có giá trị vượt trội hơn hẳn các loại khác, giúp bà con nhân dân thoát nghèo và khấm khá dần lên".
Cây bưởi da xanh bén rễ ở thôn Bác Hồ.