Cây đa Fourniau

22-08-2010 10:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ta thường dùng cụm từ “cây đa cây đề” để chỉ vị lão thành nào đó trong một ngành văn hoá, nghệ thuật, khoa học... người đáng tôn là tổ sư do tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có tài năng và được ngưỡng mộ.

Ta thường dùng cụm từ “cây đa cây đề” để chỉ vị lão thành nào đó trong một ngành văn hoá, nghệ thuật, khoa học... người đáng tôn là tổ sư do tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có tài năng và được ngưỡng mộ.

Đối với bạn bè Việt của nhà sử học Pháp Charles Fourniau vừa qua đời tại Paris vào tuổi 89, thật đáng gọi là “cây đa cây đề” vì hai lý do: suốt đời tận tụy vì tình hữu nghị hai dân tộc Pháp, Việt và vì sự nghiệp nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại.

Sinh năm 1920, Charles Fourniau đã trưởng thành qua những thử thách của chiến tranh thế giới lần thứ II. Hoạt động trong phong trào hòa bình thế giới, ông đã hăng hái đấu tranh bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Cùng nhân dân Pháp, ông sớm đấu tranh đòi chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”. Sau nhiều cuộc viếng thăm, gặp gỡ và làm việc tại Việt Nam, sự lựa chọn chính trị của ông đã thành niềm thông cảm sâu sắc với nhân dân ta. Sau chiến tranh Pháp - Việt, ông không ngừng đóng góp hàn gắn vết thương, xích hai dân tộc gần nhau. Chỉ 7 năm sau Điện Biên Phủ, ông đã thành lập được Hội  Hữu nghị Pháp Việt (HNPV) mà ông làm Tổng thư ký trong một thời gian dài. Nhờ tính trung thực, đối xử tế nhị và tấm lòng đôn hậu của ông, Hội đã nhận được sự cộng tác nhiệt tình của những hội viên thuộc nhiều khuynh hướng, kể cả những đại trí thức. Thí dụ nhà văn lớn Aragon mất năm 1982. Thay mặt Hội, ông đã tôn vinh Aragon như sau: “Hội chúng ta hân hạnh được xếp Aragon trong số các đồng chí trung thành nhất, Aragon là nhân vật vĩ đại của văn học Pháp. Không bao giờ ông không đáp lại lời kêu gọi của Hội. Ông đã đỡ đầu cho nhiều chiến dịch ủng hộ Việt Nam. Tên tuổi Aragon đã khắc sâu trong tâm khảm nhân dân Việt Nam, và uy tín ấy gắn với nước Pháp.”  (tập san Hội Hữu nghị Pháp Việt  số 48- tháng Hai -1983)... 

 Nhà sử học Charles Fourniau.

Trong và sau chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, Fourniau đã huy động các hội viên của Hội HNVP giúp đỡ có hiệu quả cuộc kháng chiến và tái thiết nước ta, tổ chức kết nghĩa nhiều vùng của hai đất nước. Để đóng góp cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Pháp, ông đã cùng các đồng chí lập ra tổ chức CID (Trung tâm thông tin và tư liệu về nước Việt Nam hiện đại). Ông đi lại như con thoi giữa Paris-Hà Nội. Ông đến Hà Nội lần cuối cùng vào năm 2004. Ổng rất ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, đã được tiếp kiến Chủ tịch nhiều lần, lần cuối cùng chỉ hai tuần trước khi Chủ tịch qua đời năm 1969.

Tôi quen Fourniau từ năm 1963 khi ông ở Hà Nội hai năm làm phóng viên thường trú báo Nhân Đạo. Hồi đó tôi làm chủ bút tạp chí Pháp-Anh Việt Nam tiến bước, được bạn đồng nghiệp có tuổi nghề giúp đỡ cho nhiều. Không bao giờ tôi quên được cái nhìn chăm chú sau đôi mắt kính lớn và nụ cười thân mật của ông. Mỗi lần tôi đến Paris, Fourniau là chỗ dựa của tôi, nhất là nhờ sợi dây liên lạc là người bạn chung: bà Francoise Corrèze nhà thơ và nhà dân tộc học đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam vào thời bà hay ở Hà Nội bị Mỹ oanh tạc.

Một kỷ niệm tươi đẹp của tôi là buổi hai bạn tổ chức với danh nghĩa Hội HNPV (ở Paris, vào mùa xuân năm 1983) để tôi thuyết trình về “tâm hồn Việt Nam qua văn học dân gian”, bà Corrèze và tôi đã viết chung và xuất bản ở Pháp cuốn Tuyển tập  văn học dân gian Việt Nam.

Charles Fourniau gắn tình yêu Việt Nam với sự nghiệp sử học của mình. Ông thuộc tầng lớp sử gia Pháp độc lập tiếp tục công việc của trường Viễn Đông bác cổ Pháp sau khi thời thuộc địa chấm dứt ở Việt Nam. Fourniau là một nhà sử học dấn thân (engagé), có nghĩa là tham gia thiết thực vào tiến trình lịch sử mà mình nhận thấy là chính nghĩa. Ông không giấu điều đó, “dấn thân” nhưng khách quan khoa học. Theo nhà sử học lỗi lạc Anh T.Hodgkin “Tất cả các nhà sử học phải dấn thân, dù ít dù nhiều”. Sau hàng mấy thập kỷ lao động trí óc, Fourniau đã hoàn thành luận án tiến sĩ đồ sộ Chiếm đóng Trung kỳ và Bắc kỳ 1885-1896. Nho sĩ và nông dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân. Ông trở thành một chuyên gia có uy tín về thời kỳ Pháp chiếm Việt Nam.

Trong Việt Nam 78 và Nước Việt Nam như tôi đã thấy, Fourniau đưa ra những nhận xét thận trọng của nhà sử học, không  kết luận vội vàng. Qua tìm tòi nghiên cứu, ông tình cờ phát hiện những tài liệu về lịch sử Việt Nam mà những nhà sử học Việt Nam không ngờ tới. Điều này cũng không khó hiểu, bởi đa số tài liệu thuộc địa  đã được mang về, lưu trữ tại Pháp. Điển hình là vụ Khâm sai Lê Hoan được Pháp giao đặc trách “tiễu trừ” nghĩa quân Đề Thám, bình định Bắc kỳ. Từ trước đến nay, Lê Hoan vẫn bị coi là Việt gian “cỡ bự”. Fourniau đã phát hiện ra những tư liệu chứng tỏ Lê Hoan vẫn ngầm giúp Đề Thám và  một số sĩ phu yêu nước.

Charles Fourniau đã ra đi. Nhưng “cây đa”  Fourniau sẽ mãi mãi trong lòng bạn bè Việt Nam, như một cái mốc trên con đường  hữu nghị giữa hai dân tộc.         

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn