Cây mọc hoang ở rừng thưa, ven suối, bờ bụi, hàng rào và được trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng. Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, đông.
Theo Đông y, chìa vôi có vị đắng, chua, hơi the, tính mát, có tác dụng thông kinh, phá huyết, trừ tê thấp, tiêu độc, sát trùng; thường dùng chữa đau nhức xương, bong gân, tê thấp, mụn nhọt sưng tấy, vết ong đốt, rắn cắn,…
Một số bài thuốc có sử dụng cây chìa vôi
Hỗ trợ điều trị phong thấp, đau nhức xương: Chìa vôi 20g, dây đau xương 15g, rễ lá lốt 15g, nước 500ml, sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc dùng: Dây chìa vôi 50g, đương quy 20g, xuyên khung 10g, ngưu tất 40g, cẩu tích 20g. Tất cả các vị thuốc ngâm trong 1 lít rượu trắng sau 1 tuần là dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ (khoảng 30ml)
Chữa bong gân: Lá chìa vôi, lá đau xương, lá thầu dầu tía, các vị bằng nhau, giã nát, trộn với dấm hoặc rượu (một miếng đắp cần khoảng 20ml dấm hoặc rượu) sao nóng, đắp và bó vào chỗ bị chấn thương, khi khô lại thay miếng khác, làm 1 - 2 lần trong ngày. Hoặc dây chìa vôi 50g, gừng tươi 50g, rượu trắng 20ml, tất cả đem giã nhuyễn rồi bó vào khớp đau.
Chữa vết ong đốt: Giã nhuyễn lá, dây, củ cây chìa vôi để đắp.
Chữa viêm da lở ngứa: Dùng một nắm lá chìa vôi tươi rửa sạch, giã nát đắp băng lại khoảng 1giờ, ngày 1 lần, kết hợp dùng thuốc uống tiêu độc: Thổ phục linh 20g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g, sắc uống ngày một lần. Dùng 5 ngày một liệu trình.
Chữa đau bụng sau sinh: Theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau sinh bị đau bụng lấy một nắm dây chìa vôi sao nóng đắp lên bụng có tác dụng giảm đau rất tốt.
Chữa mụn nhọt sưng tấy: Dây lá chìa vôi 1 nắm, rửa sạch, giã nát với mấy hạt muối lấy nước uống còn bã đắp đến khi khỏi.
Bác sĩ Thu Vân