Hà Nội

Cấy chỉ và những ứng dụng

SKĐS - Cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, là một phương pháp châm cứu mới, hiện đại áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trên cơ sở kế thừa những lý luận và kinh nghiệm của châm cứu.

Vài nét lịch sử

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sau những năm 50 của thế kỷ trước, có nhiều hình thức tác động vào huyệt như thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường), laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng), điện châm (kích thích bằng xung điện)… đã được nghiên cứu và ứng dụng.

Catgut là một loại chỉ dùng trong phẫu thuật, có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định. Chính vì vậy, sự tồn lưu của catgut tại huyệt đạo trong một thời gian nhất định đã phát huy vai trò kích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, chỉ thống …

Những năm 70, Việt Nam bắt đầu áp dụng phương pháp cấy chỉ như Viện Quân Y 103, Viện Quân Y 108, Bệnh viện Y học Dân tộc Hà Nội và một số cơ sở điều trị khác.

Năm 1975, GS. Nguyễn Tài Thu có công rất lớn trong nghiên cứu và áp dụng điều trị có kết quả một số bệnh, đặc biệt là hen phế quản, bằng phương pháp cấy chỉ. Từ năm 1982, Viện Châm cứu Trung Ương đứng đầu là GS. Nguyễn Tài Thu đã thực hiện cấy chỉ điều trị cho hàng loạt bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, điển hình là trẻ em bị bại liệt.

Cấy chỉ và  những ứng dụngCấy chỉ điều trị cho bệnh nhân

Năm 1988 - 1989, quân y Tổng cục Chính trị cấy chỉ cho các thể bệnh như: hen phế quản, đau nhức xương khớp, liệt… đã đạt được kết quả nhất định.

Hơn 30 mươi năm qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã thực hiện cấy chỉ cho nhiều thể loại bệnh khác nhau thu được kết quả đáng khích lệ, phương pháp cấy chỉ đã dần khẳng định giá trị đích thực của nó, đây là một phương pháp điều trị đặc biệt của châm cứu, một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
Tất cả các bệnh lý mạn tính có thể điều trị bằng châm cứu đều có thể điều trị bằng phương pháp cấy chỉ.
Chống chỉ định:
- Người bệnh đang sốt cao.
- Tăng huyết áp kịch phát.
- Phụ nữ có thai.
- Những bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu.
- Những bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.

Hiện nay, TS. Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị kết hợp với y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại BV. Y học Cổ truyền TP.HCM, phương pháp cấy chỉ ngoài cấy chỉ catgut còn dùng chỉ Vlift (Nhật Bản sản xuất) được áp dụng và có hiệu quả trong điều trị. Đặc biệt hiệu quả cao trong nhóm bệnh viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, thoái hóa khớp, liệt, đau lưng - đau thần kinh tọa, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn giấc ngủ…

Cơ chế tác dụng của cấy chỉ

Chỉ catgut là chỉ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, bản chất là một protit tự tiêu trong vòng 20 - 25 ngày, khi đưa vào cơ thể như một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể bao vây không đặc hiệu làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch và vì vậy mà không xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Chỉ catgut là một dạng protit trong quá trình tự tiêu phản ứng hóa - sinh tại chỗ làm tăng tái tạo protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của bệnh nhân, tăng trương lực các sợi cơ.

Chỉ catgut được cấy vào huyệt vị tác dụng với tính chất vật lý, tạo ra một kích thích cơ học như châm cứu nên có cơ chế tác dụng như cơ chế tác dụng của châm cứu.Tuy nhiên cách giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu hiện nay chưa thống nhất, cách giải thích được nhiều người công nhận nhất là giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch(y học hiện đại) và học thuyết kinh lạc (y học cổ truyền).

Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch: châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý, có thể xuất hiện ngay tức thì sau khi châm kim và tác động vào huyệt, nhưng cũng nhiều khi phải lưu kim lâu và điều trị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều liệu trình mới thu được kết quả. Ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của nội tiết, thể dịch tham gia trong việc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Căn cứ vào vị trí tác dụng của nơi châm cứu có 3 loại phản ứng cơ thể: Phản ứng tại chỗ, phản ứng tiết đoạn thần kinh và phản ứng toàn thân.

Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết y học cổ truyền: khi có bệnh tức là mất cân bằng âm - dương, rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc. Châm cứu có tác dụng điều hòa Âm - Dương và điều hòa cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.

Kỹ thuật cấy chỉ

Kỹ thuật bổ tả:

Bổ tả trong cấy chỉ khác với bổ tả trong châm cứu. Chúng ta không vê kim mà cũng không rung kim. Tác dụng bổ tả trong cấy chỉ hầu như phụ thuộc vào hướng đặt chỉ (hướng theo đường kinh) và hơi thở.

Theo hơi thở:

- Bổ: bệnh nhân thở ra châm kim vào, khi hít vào rút kim ra.

- Tả: bệnh nhân hít vào châm kim, thở ra rút kim ra.

Độ sâu của kim và độ dài của chỉ:

- Tùy theo vị trí của huyệt, độ dài chỉ có thể từ 0,5 - 3cm, trung bình là 1cm.

Liệu trình điều trị bằng cấy chỉ:

- Từ 2 - 3 tuần thì cấy chỉ một lần. Căn cứ vào thể chất của người bệnh mà rút ngắn hay kéo dài thời gian giữa 2 lần cấy chỉ một cách thích hợp.

- Cơ thể yếu hoặc người có nhiều bệnh thì hoặc luân phiên giữa các nhóm huyệt cho từng bệnh, hoặc thời gian giữa 2 lần cấy chỉ có thể dài hơn khi bệnh đã ổn định.

- Một liệu trình điều trị kéo dài 3 - 4 lần.

Ứng dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị một số bệnh lý thường gặp

Chúng tôi đã sử dụng các phương huyệt gia giảm trong điều trị một số bệnh lý thường gặp, đã đạt được nhiều hiệu quả trong điều trị.

1. Hen phế quản: Phế du, Thận du, Đại chùy, Định suyễn, Quan nguyên, Phong môn, Đản trung, Túc tam lý.

2. Viêm xoang: Nghinh hương, Phong trì, Phế du, Phong môn, Hợp cốc.

3. Viêm mũi dị ứng: Nghinh hương, Phế du, Phong môn, Hợp cốc, Ấn đường, Phong trì.

4. Đau cổ gáy, thoái hóa cột sống cổ: Phong trì, Thiên trụ, Kiên trung du, Kiên tĩnh, Huyền chung, Lạc chẩm, A thị đau.

5. Thoái hóa cột sống thắt lưng: Thận du, Mệnh môn, Yêu dương quan, Giáp tích L3 - L5, Ủy trung, Dương lăng tuyền.

6. Đau thần kinh tọa: Giáp tích L3 - L5, Hoàn khiêu, Ân môn,Trật biên, Dương lăng tuyền, Ủy trung, Côn lôn, Huyền chung.


BS.CKII. ĐỖ TÂN KHOA
Ý kiến của bạn