Tại Việt Nam, có 84,27% số trường hợp đau thắt lưng hông là do bệnh lý thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả đau lưng do chứng bệnh này này đem lại sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn, màng hoạt dịch và cùng các dây chằng cột sống. Dây chằng quanh cột sống bị kéo giãn ra và đóng vôi ở đoạn sát bờ đĩa đệm để tạo nên các gai xương. Mỏ xương thường xuất hiện ở bờ trước thân đốt sống, ít khi thấy ở bờ sau (nếu có thì dễ chèn ép vào tủy sống). Quá trình thoái hóa này nặng dần theo tuổi dẫn đến phì đại mỏm khớp và lỏng lẻo dây chằng, dẫn đến hẹp lỗ ghép (do mọc gai xương, phì đại mỏm khớp, hẹp đĩa đệm); trượt thân đốt (do mỏm khớp thoái hóa nặng, dây chằng lỏng lẻo, hở eo) và hẹp ống sống.
Bệnh là hậu quả của quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp và đĩa đệm cột sống thắt lưng, gây đau, hạn chế vận động cột sống và chèn ép vào rễ thần kinh.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: do đĩa đệm thoái hóa chèn ép vào rễ thần kinh hoặc đám rối thần kinh (chùm đuôi ngựa). Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có nhiều mức độ khác nhau, thường gặp đau lưng lan dọc xuống mông rồi lan xuống mặt sau hoặc mặt ngoài của chân (đau thần kinh tọa).
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, thường bắt đầu bằng “hội chứng đau lưng cấp”, sau một cố gắng nhỏ của người bệnh, đau dữ dội vùng thắt lưng gây hạn chế vận động. Đau và cứng vùng thắt lưng do co thắt bao khớp và co cứng các cơ - các dây chằng cạnh cột sống. Nặng hơn có đau rễ dây thần kinh do chèn ép rễ của dây thần kinh ống sống.
Thăm khám bằng ấn đau vùng thắt lưng, các dấu thần kinh, phản xạ cảm giác và vận động bình thường, có thể tiến triển thành đau lưng mạn tính.
Đau lưng mạn tính: thường kéo dài từ 3 tháng trở lên, gặp nhiều ở tuổi trên 40, khởi phát từ từ, thường là sau đau lưng cấp dẫn đến, hoặc do sinh hoạt không đúng cách ảnh hưởng trong một thời gian dài. Đau âm ỉ vùng thắt lưng không lan, đau tăng khi vận động, thời tiết thay đổi, giảm khi nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
Đau thắt lưng - hông (đau thần kinh tọa): đau khởi phát sau đau lưng cấp hoặc sau vài lần thứ phát, lan theo thần kinh hông to xuống một hoặc 2 bên chân, cột sống có thể vẹo sang bên đau. Khám thực thể có dấu căng rễ thần kinh như: Lasègue, Bonnet, Neri, Valleix, dấu giật dây chuông, teo cơ tứ đầu đùi.
Để giúp chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh, người bệnh có thể được chỉ định các xét nghiệm:
- Xét nghiệm công thức máu.
- X-quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng, có các dấu hiệu cơ bản sau: hẹp khe đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, gai xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI): khi nghi ngờ có bệnh lý đĩa đệm.
Điều trị bằng phương pháp nhu châm - cấy chỉ
Cơ chế phối hợp: khi chỉ được cấy vào huyệt.
Tác dụng của phương pháp châm cứu (giảm đau, giảm co thắt, điều hòa hoạt động cơ quan tạng phủ trong cơ thể).
Tác dụng của chỉ khi tự tiêu dần dần trong các huyệt: có vai trò tăng cường dinh dưỡng, tăng tuần hoàn tại huyệt và vùng lân cận chỗ cấy (bằng cách tăng chuyển hóa chất như đạm, đường trong cơ thể) và chống kích ứng do có ảnh hưởng tích cực thông qua miễn dịch. Như vậy về cơ chế: chống lại quá trình thoái hóa, chống lại quá trình viêm rễ thần kinh do chèn ép.
Một ca cấy chỉ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống ở BV. Y học cổ truyền TP.HCM
- Dùng chỉ tiêu đưa vào các huyệt.
- Công thức huyệt: dùng tương tự các huyệt dùng châm cứu, tùy theo vị trí và tình trạng bệnh lý, chọn và cấy vào các huyệt sau.
Thoái hóa - thoát vị mà chưa có chèn ép thần kinh và mạch máu: cấy vào các huyệt tại chỗ giúp giảm đau và tăng cường nuôi dưỡng vùng cột sống thắt lưng: huyệt Thận du, Đại trường du, Giáp tích L4-5, Giáp tích L5-S1.
Thoái hóa có chèn ép rễ thần kinh: dùng các huyệt trên.
Chèn ép mặt trước ngoài chân: thêm các huyệt Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Quang minh, Tuyệt cốt...
Chèn ép mặt sau đùi - cẳng chân, bàn chân: thêm các huyệt Trật biên - Thừa phù - Ân môn - Thừa sơn - Côn lôn.
Chỉ định: tất cả trường hợp thoái hóa - thoát vị cột sống thắt lưng có chỉ định điều trị nội khoa (ngoại trừ các trường hợp phải điều trị ngoại khoa).
Thoái hóa cột sống thắt lưng đơn thuần.
Có chèn ép rễ thần kinh (đau thần kinh tọa).
Liệu trình:
- Một lần cấy trung bình 10 - 15 huyệt, 2 lần cấy cách nhau trung bình 2 tuần.
- Một liệu trình cấy trung bình từ 3 - 6 lần
Lưu ý: không cấy chỉ cho một số trường hợp:
- Đái tháo đường mà đường huyết còn cao > 140mg/dL, hoặc chưa ổn định.
- Cao huyết áp, hoặc huyết áp dao động.
- Bệnh nhân có tiền căn dị ứng với chỉ tiêu.
- Phụ nữ có thai.
Ưu điểm của phương pháp cấy chỉ
- Tác dụng giảm đau nhanh và hiệu quả.
- Can thiệp tích cực đến quá trình thoái hóa, tăng cường nuôi dưỡng thần kinh.
- Đặc biệt cần 1 - 3 tuần mới cấy chỉ làm một lần, giúp tiết kiệm thời gian và tài chính cho người bệnh.
ThS.BS. ĐỖ TÂN KHOA
(Trưởng khoa Khám BV. Y học Cổ truyền TP.HCM)