Cấy chỉ điều trị bệnh gút

SKĐS - Gút (gout) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa gây ra. Bệnh gây đau đớn cho bệnh nhân, đặc biệt là có thể gây suy thận. Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt giúp bệnh nhân cải thiện chứng bệnh và có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn.

Ngày nay, không khó để bắt gặp những người nhăn nhó, than đau vì bệnh gút. Nhiều người khớp còn nổi cục, biến dạng. Bệnh gây đau, gây tâm lý hoang mang, mất ăn, mất ngủ cho người bệnh. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 8,3 triệu người, chiếm tỉ lệ 3,9%  số người lớn. Số người bị bệnh gút tại Việt Nam cũng đang dần tăng lên (có lẽ là tỉ lệ thuận với mức độ tiệu thụ bia rượu?). Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong vòng 10 năm, từ 1991 - 2000 cho thấy, bệnh gút chiếm tỉ lệ 8,57%, vươn lên đứng hàng thứ tư các bệnh về khớp được điều trị tại đây.

Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh gút là do axít uric trong máu tăng cao. Khi lượng axít uric tăng trên 420mmol/L (trên 7mg/dL) với nam và 360mmol/L (trên 6mmg/dL) với nữ là dấu hiệu báo nguy cơ mắc gút.

Đa số bệnh nhân mắc gút là nam giới (90 - 95%), tuổi thường trên 30. Các nguy cơ gây gút bao gồm:

Tình trạng uống rượu bia: có tới trên 75% bệnh nhân gút uống rượu ia thường xuyên từ 7 - 10 năm. Nghiện rượu thúc đẩy cơn gút cấp ở người nhạy cảm; làm tăng axít uric máu, làm giảm khả năng đào thải của thận.

cay chi

Người béo phì: có nguy cơ mắc bệnh gút gấp 5 lần so với người bình thường.

Rối loạn chuyển hóa: tăng glucose máu, rối loạn lipid máu thường kết hợp với bệnh gút.

Một số bệnh lý: bệnh thận, tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ bị gút.

Dược phẩm: khi dùng kéo dài làm ảnh hưởng đến tổng hợp hoặc đào thải axít uric. Nhóm thuốc này gồm: Thiazide, Furosemide, thuốc chống lao như Pyrazynamid.

Yếu tố gia đình: có thể do yếu tố gen, hoặc do cùng trong môi trường sinh hoạt, ăn uống.

Diễn tiến của bệnh

Diễn tiến chung của bệnh qua 4 giai đoạn: tăng axít máu đơn thuần; cơn gút cấp; khoảng cách giữa gút cấp và mạn; gút mạn.

Tăng axít máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, kéo dài 20 - 40 năm mà không có triệu chứng gì, chiếm tỉ lệ 2 - 4 %  số người lớn,

Cơn gút cấp: thường bắt đầu từ viêm đau khớp ngón cái bàn chân (chiếm 75%) và các khớp khác; đôi khi cơn gút cấp bắt đầu bằng cơn đau quặn thận.

Khoảng cách giữa các cơn gút cấp: từ cơn đầu tiên đến cơn thứ hai có thể vài tháng đến vài năm, có khi lên tới 10 năm. Càng về sau khoảng cách này càng ngắn lại.

Viêm khớp mạn: viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp. Giai đoạn này có thể thấy các hạt tôphi ở sụn vành tai, phần mềm cạnh khớp…; biểu hiện toàn thân: thiếu máu mạn, suy thận mạn, sỏi thận…

Điều trị bằng cấy chỉ

Y học cổ truyền quan niệm bệnh gút do: khi người có sức khỏe suy yếu phong, hàn, thấp, tà xâm nhập cơ thể, gây ứ trệ kinh lạc; hoặc do cơ thể vốn yếu, bệnh kéo dài khiến can, thận hư; hoặc tì vị hư nhược kết hợp ăn nhiều đồ béo ngọt, uống nhiều rượu khiến công năng vận hóa của tỳ vị giảm sút sinh đàm thấp gây tắc trở, ứ kết ở cơ khớp, kinh lạc gây sưng đau ở các khớp. Bệnh kéo dài làm cho 2 tạng Thận và Tỳ hư thêm: Thận suy không nuôi dưỡng được xương khiến xương khớp biến dạng, Tỳ hư không vận hóa được, không nuôi dưỡng được cơ nhục gây teo cơ, lắng đọng thấp trệ nhiều (nguyên nhân làm các hạt tôphi ngày càng to hơn).

Phép trị bệnh khớp thường dựa vào diễn tiến của bệnh: trong đợt cấp có 2 thể bệnh chính

Thể nhiệt chứng (bệnh tiến triển nhanh, rầm rộ) hay và Thể hàn chứng (khớp xương đau dữ dội và không co duỗi được), trong giai đoạn này chủ yếu dùng thuốc khống chế viêm đau tại các khớp.

Sau đợt cấp, hay bệnh mạn tính kéo dài, theo Y học cổ truyền do  thận âm hư hay do tỳ hư, hoặc kết hợp cả hai tỳ thận hư. Điều trị tập trung vào bổ tỳ thận và kết hợp với tiết chế ăn uống. Đây là giai đoạn quan trọng giúp phòng ngừa và chống tái phát, phục hồi chức năng vận động tránh biến dạng khớp. Người bệnh thường không chú ý điều trị trong giai đoạn này, do đó thầy thuốc cần tư vấn kỹ cho người bệnh.

Cấy chỉ (nhu châm) là phát triển kỹ thuật cao của phương pháp châm cứu của Y học cổ truyền, bằng cách đưa sợi chỉ tự tiêu vô huyệt (chỉ catgut hoặc chỉ tiêu khác), khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ. Khi dùng phương pháp cấy chỉ mang lại 2 lợi ích cho người bệnh,

Tăng hiệu quả của các huyệt ở cả 2 nhóm tác dụng chống viêm, giảm đau và tăng cường kích thích lên tạng phủ liên quan để điều hòa công năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể trong bệnh gút khi cấy vào các huyệt bổ tỳ - bổ thận giúp điều hòa công năng của tạng tỳ giúp chống rối loạn vận hóa (giúp điều hòa chuyển hóa axít uric), giúp bổ thận (điều hòa thải trừ axít uric).

Tiết kiệm thời gian cũng như tài chính (do liệu trình cấy chỉ trung bình 2 - 4 tuần/ cấy 1 lần, thường chỉ cấy 3 lần).

Cấy chỉ nhằm mục đích giúp cho điều hòa chức năng thận; từ đó tăng thải trừ axít u ric. Khi bệnh nhân bị đau biến dạng khớp cấy chỉ  tại các huyệt tại chỗ (gần vùng khớp bị sưng đau),  ví dụ ở khớp gối với các huyệt: Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, Huyết hải, Lương khâu… toàn thân cấy chỉ vào các huyệt bổ thận, bổ tỳ: Thận du, Can du, Phi dương, Dương lăng tuyền (huyệt chủ để bổ gân), Tuyệt cốt (bổ xương), tỳ du, vị du, túc tam lý (bổ tỳ)…

Qua thực tế điều trị ở BV. Y học cổ truyền TP.HCM, bằng hướng tiếp cận tích cực trên, ghi nhận bệnh nhân gút được điều trị bằng cấy chỉ cho hiệu quả cao ở cả tác dụng giảm đau và chống tái phát, đặc biệt ở bệnh nhân viêm khớp gút mạn. Bệnh nhân cũng cần được phối hợp thay đổi lối sống, sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ giàu chất béo.


BS.CKII. ĐỖ TÂN KHOA
Ý kiến của bạn