Cây chè cho nước ngon, thuốc quý

12-10-2015 13:17 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Chè được loài người sử dụng làm nước uống và làm thuốc từ hàng ngàn đời nay, được ca ngợi là loại nước uống tuyệt vời nhất. Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 50% dân số uống nước chè.

Thành phần hóa học của chè (tính theo sản phẩm khô kiệt):

Caffein (không bị thay đổi trong quá trình chế biến chè): trong đọt chè (ngọn chè hái để chế chè búp khô) thì hàm lượng caffein mỗi chỗ có khác nhau: búp lá 1 có 4 - 7%; lá thứ 2 có 4 - 5%; lá thứ 3 có 3 - 7%; lá thứ 4 có 3%; cuống có 1,9%. Trong lá chè bánh tẻ (để chế nước chè tươi) có 2% (caffein trong chè ở dạng caffein tanat nên tác dụng chậm so với caffein trong cà phê)

L-theanin (một loại axít amin tự do, không có trong protein): trong chè búp khô chỉ có 1%. Trong lá chè bánh tẻ trồng trong vườn dưới tán cây to có 2% (tính theo lá tươi là 0,2%). L-theanin được tổng hợp từ rễ dẫn lên lá chè, khi gặp ánh nắng mặt trời có cường độ lớn sẽ chuyển thành polyphenol, vì vậy chè vườn nhiều L-theanin và ít polyphenol hơn chè đồi.

Tanin: 27 - 34%. Hàm lượng tanin chè (4) càng cao thì chất lượng chè càng tốt (sản phẩm của quá trình quang hợp nên chè đồi nhiều tanin hơn chè vườn) nó là hợp chất polyphenol gồm 7 loại catechin; trong đó 3 loại catechin có vị chát dịu là Epicatechin, Galocatechin, Epigalocatechin. Một loại catechin có vị đắng đặc biệt, đó là Epigalocatechingalat (EGCG). Búp chè và lá 1 có hàm lưọng tanin cao nhưng EGCG lại thấp nên có vị chát dịu, ít đắng. Chè trồng trên đất có molipden có vị chát ngọt vì EGCG thấp.

Flavonol: kaempferol, quercetin, myricetin.

Tinh dầu và các axít đi cùng tinh dầu (acetic, butyric, cafeic, caproic, palmitic, propionic, valeric..).

Các vitamin: tiền sinh tố A, B2, B3, B5, C (C chủ yếu trong chè tươi, chè búp khô thì vitamin C chỉ còn vết).

Các nguyên tố vi lượng: đặc biệt là kali và fluor.

Theo Y học cổ truyền: chè có vị đắng chát, hơi ngọt; tính mát; vào kinh can, thận. Tác dụng : thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, tiêu thực, cầm tả lỵ, bớt mụn nhọt, khỏi chóng mặt, đẹp da thịt, minh mẫn đầu óc.

Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh: minh trà là trà ngon, vị ngọt đắng, tính hơi hàn. Tác dụng: nhuận tràng, trừ nhiệt, khu phong; sáng mắt; nhẹ đầu; hạ đờm; trị lỵ; tiêu thức ăn.

Bài thuốc: chữa nốt đậu lở loét, thối sinh giòi: hái lá chè già ngọn bạc hà, hai thứ bằng nhau, sắc đặc mà rửa. Chữa ho do đờm suyễn không ngủ được: trà ngon 60g, bạch cương tàm 60g. Hai thứ tán nhỏ cho vào bình có nắp kín, cho vào 4 bát nước sôi, khi đi ngủ thêm chút nước sôi cho nóng mà uống là khỏi.

Theo Trung Y (Đại học Đông y Hồ Nam): chữa viêm phế quản mãn tính, ho lâu không dứt, nôn ra dãi dớt: trà du (chè để lâu năm; không mốc) 240g, nước gừng tươi 240ml, mật ong 240g. Luyện chung đến khi đen như sơn là được. Cách dùng: mỗi lần uống 1 thìa canh, chiêu với nước còn ấm, ngày 2 lần: sáng, tối.

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Úc... chứng minh tác dụng của nước chè (chè tươi và chè búp khô) có nhiều tác dụng bảo vệ sức khỏe tốt như:

Làm cho đầu óc minh mẫn (cho cả người già và người trẻ): các hợp chất thơm và theanin có tác dụng giảm stress, chống dị ứng, giúp não thư giãn. Caffein dưới dạng hợp chất tanat là cho tinh thần sảng khoái, tăng hoạt động của tim, giảm mệt nhọc (khác với caffein tự do của cà phê, cafein tanat của chè không cản trở hấp thu canxi vào cơ thể).

Phòng chống bệnh tim mạch: giảm lượng cholesterol xấu, tăng độ đàn hồi của cơ tim, chống xơ cứng mạch máu, tăng độ bền thành mạch, giảm các bệnh tim mạch, phòng chống đột quỵ.

Ngăn chặn tổn thương não ở người đột quỵ: gallotanin trong chè xanh có tác dụng ngăn chặn quá trình tự hoại của tế bào não và những tổn thương ở não sau khi đột quỵ. Những người uống chè xanh hàng ngày sẽ giảm được các tác hại do đột quỵ và tránh tử vong. Sau khi cấp cứu đột quỵ hoặc chấn thương sọ não cần cho người bệnh uống tinh chất chè xanh (không dùng EGCG tinh khiết, có thể gây viêm gan sau 50 ngày dùng thuốc).

Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư: các polyphenol của chè tiêu diệt các gốc tự do (mạnh gấp trăm lần vitamin C, vitamin E) nguyên nhân làm tổn hại các AND, kiềm chế các thụ thể arylhydrocarbone (chất kích thích quá trình phát triển ung thư) EGCG ức chế sự tăng trưởng khối u và sự di căn các tế bào ung thư trong cơ thể. Hiệu quả nhiều nhất với ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư kết tràng, trực tràng, ung thư tuyến mật.

Giảm nguy cơ sỏi mật (nhất là nước chè tươi).

Bảo vệ vi khuẩn có ích trong ruột, ngăn cản các vi khuẩn, virút gây bệnh: nước chè bảo vệ các vi khuẩn có ích ở ruột như acidophylus chống rối loạn tiêu hóa; ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh như kiết lỵ, thương hàn. Uống nước chè giúp cơ thể sản sinh interferon chống lại sự phát triển của virút như: virút gây viêm gan, virút cúm, virút gây mụn rộp Herpes, HIV (tác dụng chống HIV của chè là do EGCG chiếm giữ các khu vực mà HIV sử dụng để xâm nhập tế bào), virút gây viêm não (liều lượng nước chè dùng cho trẻ viêm não Nhật Bản mỗi lứa tuổi có khác nhau, đây là công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Đức Chấn - Hiệu trưởng Đại học Y Bắc Thái).

Khử mùi hôi chân: ngâm chân trước khi đi ngủ 15 phút với nước chè tươi.

Chống sâu răng, trị viêm nướu răng, trị hơi thở có mùi hôi: sau khi ăn thì đánh răng ngay, sau khi đánh răng thì ngậm nước chè đặc (chè tươi, chè búp khô đều được) 15 phút (thỉnh thoảng súc súc 1 lần cho ngấm đều vào kẽ răng) sau đó nhổ nước chè đi.

Chống lão hóa: làm trẻ hóa cơ thể, làm đẹp da , đẹp người (nhất là nữ giới) Dùng nước trà xanh thay kem chống nắng, kem dưỡng da hàng ngày giúp cho việc tẩy nám da, chống cháy da do ánh nắng mặt trời, làm da mềm mại.

Chống lú lẫn tuổi già (người trên 70 tuổi mỗi ngày uống 2 - 3 ly trà xanh có trí nhớ gấp 2 lần người uống 1 ly hoặc không uống trà) do axít carbolic dẫn catechin ngấm nhanh vào hệ thần kinh và các cơ quan khác trên cơ thể. Nước trà ngăn cản hoạt động của beta-secretase là enzym gây bệnh Alzheimers an toàn hơn các loại thuốc chống Alzheimers.

Chống trầm cảm ở người già: người ngoài 70 nếu mỗi ngày uống 4 chén trà xanh sẽ hết buồn sầu (so với người không uống hay chỉ uống 1 chén).

Giảm các chứng bệnh về mắt: công trình khoa học này do các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu trên chuột. Sau khi cho chuột uống chè xanh, tiến hành phân tích các mô mắt, phát hiện thấy có các Catechin tác dụng của các chất này kéo dài 20 giờ). Võng mạc là nơi hấp thu Galocatechin cao nhất.

Giảm đau do viêm khớp do Epigalocatechingalat ngăn ngừa phá hủy sụn, giảm sưng.

Chống lại hiện tượng kháng insulin: hạn chế sự phát triển bệnh đường huyết týp 2 và các biến chứng nguy hiểm của bệnh đường huyết.

Giúp cơ thể đốt mỡ thừa (nhất là mỡ bụng và mông): catechin của chè có tác dụng tăng chuyển hóa chất béo, giảm cân rất an toàn nếu kết hợp uống trà với tập luyện.

Chống độc và giải độc cho cơ thể: các hợp chất tanin sẽ trung hòa các chất độc nguồn gốc alcaloid như: thuốc phiện, mã tiền, cà độc dược...; trung hòa lượng sắt dư thừa trong cơ thể. Các hợp chất theobromin, theophylin và muối Kali là chất lợi tiểu mạnh, giúp cơ thể thải độc (nếu bạn dùng quá liều các thuốc chứa alcaloid, thuốc chứa sắt hoặc trót ăn mặn muốn tránh tác hại của muối gây bệnh tim mạch... thì giải độc ngay bằng cách uống vài chén nước trà đặc).

Ngăn chặn bệnh Parkinson: nguyên nhân gây bệnh Parkinson do sắt lắng đọng ở tế bào thần kinh. EGCG trong chè xanh tạo phức mạnh với sắt lắng đọng trong tế bào thần kinh, ngăn chặn bệnh này.

Kiêng kỵ: không uống nước chè lúc bụng rỗng (trừ người nghiện chè) dễ bị say chè, nhất là chè tươi (có khi nôn mửa dữ dội).

Không dùng trà đặc với lượng trên 10g chè khô/lần/người. Nếu dùng trà với lượng này sẽ làm giảm hấp thu sắt và axít folic có trong thức ăn, gây bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Khi uống nước chè bình thường cũng phải cách xa giờ uống thuốc có sắt; có alcaloid (như: mã tiền, cà độc dược...), có Aspirin, Ibuprofen, Warfarin, Paracetamol, Phenylpropanolamin, Ephedrin, Phenytoin, Methotrexat. axít Folic (vitamin B9), Nadolol.

Không cho người bệnh cần phẫu thuật uống nước chè trước và sau khi mổ 1 ngày, để phòng chảy máu do khó đông máu.

Cần lưu ý: chè làm tăng chuyển hóa vitamin B1 thành thiaminpyrophosphat gây thiếu thiamin. Do đó người uống nhiều chè hàng ngày hoặc dùng viên nhộng chứa chiết suất chè xanh, cần bổ sung mỗi ngày 10mg vitamin B1 vào trước khi ngủ tối.

Catechin của chè có tác dụng tăng chuyển hóa chất béo, giảm cân rất an toàn

DS. TRẦN XUÂN THUYẾT

 


Ý kiến của bạn